Bất lực nhìn rừng thông phòng hộ bị “tàn sát” ở Gia Lai

Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, tỉnh Gia Lai đang chết dần chết mòn, bị lấn chiếm để lấy đất sản xuất, nhưng lực lượng chức năng bất lực, chưa thể ngăn chặn.

Bất lực nhìn rừng thông phòng hộ bị “tàn sát” ở Gia Lai

Cạnh đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh Pleiku, đoạn từ xã Gào, thành phố Pleiku đến xã Ia Kênh, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, hàng loạt cây thông lớn của rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ chết rũ.

Nguyên nhân là do các hộ dân có nương rẫy cận kề dùng các biện pháp như chặt, đốt từ gốc hoặc khoan vào thân cây rồi đổ hóa chất vào.

bat luc nhin rung thong phong ho bi "tan sat" o gia lai hinh 1
Anh Vêr không ngần ngại trồng mới hàng trăm cây cà phê mới dưới gốc thông đang chết.

Nhiều năm nay, anh Vêr ở làng Sor, xã Ia Kênh, huyện Chư Prông có rẫy giáp ranh với Khoảnh 1, Tiểu khu 395, lâm phần ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tìm mọi cách làm cho rừng thông chết dần chết mòn để lấn chiếm đất canh tác. Anh Vêr xác nhận chính mình là người đã chặt và đốt hàng chục cây thông tại đây. Sau 1 năm, khi số thông này chết hoàn toàn, gia đình anh sẽ đốn hạ để lấy đất mở rộng rẫy cà phê.

Tại hiện trường, nhiều cây thông đã khô khốc từ lâu, có những cây mới bị chặt nham nhở dưới gốc, bị đốt xung quanh đã héo rũ.

Sự việc này đã được cán bộ bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ nắm rõ từ lâu, nhưng không bắt được quả tang nên không thể xử lý.

Tình trạng phá hoại rừng thông để chiếm đất đã xảy ra ở nhiều vị trí thuộc rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Điển hình vào giữa năm 2017, 102 cây thông trên 40 năm tuổi tại Khoảnh 9, Tiểu khu 309 bị khoan lỗ, bơm thuốc để triệt hạ. Tuy nhiên, tới này, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Ông Nguyễn Tất Thành, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết, từ năm 2016 tới nay có khoảng 26 ha rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị xâm lấn theo kiểu huỷ hoại cây rừng lấy đất sản xuất.

bat luc nhin rung thong phong ho bi "tan sat" o gia lai hinh 2
Rừng phòng hộ chết tới đâu, rẫy cà phê của người dân rộng ra tới đó.
bat luc nhin rung thong phong ho bi "tan sat" o gia lai hinh 3
Nơi thông bị hạ sẽ được trồng cà phê.

Tuy nhiên, thực tế, đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được 5 vụ việc. Phần lớn các vụ phá rừng, xâm lấn đất đều rơi vào bế tắc bởi không tìm được đối tượng phá hoại nên không thể khởi tố vụ án, hoặc khởi tố vụ án mà không thể khởi tố bị can.

Trong đó, điểm nóng của tình trạng này nằm ở địa phận xã Gào, thành phố Pleiku và xã Ia Kênh, huyện Chư Prông.

Việc phá hoại rừng thông xảy ra lúc vắng mặt cán bộ bảo vệ rừng. Do đó, mặc dù ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương và kiểm lâm thực hiện kiểm tra, nhưng hiệu quả bảo vệ rừng không cao.

Viện giải sự bất lực của đơn vị bảo vệ rừng trước tình trạng huỷ hoại cây, xâm lấn đất rừng, ông Thành cho rằng, là do thiếu nhân lực, công cụ hỗ trợ hạn chế và phụ cấp thấp nên không khuyến khích được công tác bảo vệ rừng.

Tới nay, giải pháp thường thấy của đơn vị bảo vệ rừng sau khi phát hiện việc xâm lấn là vận động thu hồi đất để trồng lại rừng.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ