Bắt đầu cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

GD&TĐ - Từ 0 giờ ngày 1/4, cuộc Tổng điều tra về dân số và nhà ở năm 2019 (sẽ gọi là Tổng điều tra) trên quy mô toàn quốc chính thức bắt đầu, với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên. Thông tin chung về dân số, tình trạng di cư, hôn nhân, mức độ sinh - chết và phát triển dân số, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng về nhà ở và nhiều nội dung thông tin khác sẽ được Tổng cục Thống kê tiến hành thu thập.

Ông Nguyễn Bích Lâm (thứ ba từ phải sang) cùng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các điều tra viên tiến hành thu thập thông tin sáng 1/4. Ảnh: T.G
Ông Nguyễn Bích Lâm (thứ ba từ phải sang) cùng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các điều tra viên tiến hành thu thập thông tin sáng 1/4. Ảnh: T.G

Tổng điều tra được triển khai theo Luật Thống kê năm 2015 và Quyết định 722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước CHXCN Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.

Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7/2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II năm 2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV năm 2020.

Sáng 1/4, tại quận Hoàn Kiếm, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Trước đó, chiều 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo việc chuẩn bị để sẵn sàng thu thập thông tin Tổng điều tra. Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ việc tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ công nghệ thông tin cho điều tra viên, bởi đây là lần đầu tiên cuộc Tổng điều tra ứng dụng triệt để các tiện ích của công nghệ từ thu thập phiếu, lưu trữ, đánh giá số liệu và xây dựng báo cáo tổng thể. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, cho biết: Kết quả của cuộc Tổng điều tra sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời, là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030… Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, cuộc Tổng điều tra này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến khoảng 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người sẽ được điều tra…

Để triển khai công tác thu thập thông tin một cách hiệu quả, ông Nguyễn Bích Lâm đề nghị Ban Chỉ đạo thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai cuộc Tổng điều tra theo đúng tiến độ; đôn đốc Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của cấp trên; phân công rõ ràng, cụ thể nội dung công việc cho từng giám sát viên; thường xuyên liên lạc, trao đổi với Ban Chỉ đạo Trung ương để kịp thời nắm bắt những chỉ đạo bổ sung của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Đặc biệt, quán triệt việc điều tra viên đến từng hộ để phỏng vấn thu thập thông tin vào phiếu điện tử; không in phiếu giấy (dưới mọi hình thức) để điều tra. Đối với Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn, cần tích cực tuyên truyền về tổng điều tra trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn và các hình thức khác; đôn đốc điều tra viên thống kê, tổ trưởng thực hiện tốt việc thu thập thông tin tại địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.