Bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi là vi phạm pháp luật về hành vi làm nhục người khác

GD&TĐ - Vụ việc phụ huynh đến trường bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi ở tỉnh Long An đang gây xôn xao dư luận. Lý do là do một cô giáo bắt các học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học làm nhiều em sợ không dám đến trường.  

Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức tỉnh Long An - nơi xảy ra vụ phụ huynh bắt ép cô giáo phải quỳ gối xin lỗi đang gây xôn xao dư luận
Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức tỉnh Long An - nơi xảy ra vụ phụ huynh bắt ép cô giáo phải quỳ gối xin lỗi đang gây xôn xao dư luận

Việc bắt học sinh vi phạm phải quỳ gối là vượt quá chuẩn mực sư phạm, không được phép, tuy nhiên bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh là phản giáo dục, đi ngược truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và trái pháp luật.

Cách đây khoảng 30 năm thời chúng tôi còn là học sinh, việc bị cô giáo gõ thước vào tay, vào đầu hay bị bắt quỳ trên vỏ quả mít mỗi khi không thuộc bài hoặc nghịch ngợm, vi phạm đạo đức là chuyện bình thường! Mặc dù, không thể so sánh chuyện xưa với chuyện nay nhưng việc giáo viên giáo dục học sinh để các em tiến bộ hơn, dù phương pháp có hơi nghiêm khắc thì vẫn có thể thông cảm, chia sẽ. Bởi vì, thầy cô cũng như các bậc cha mẹ răn dạy con cái, học sinh thì chẳng phải là chuyện gì to tát mà phải làm quá lên!

Trở lại việc phụ huynh khăng khăng bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi không chỉ phản cảm mà còn vi phạm pháp luật về hành vi làm nhục người khác.

Mức chế tài đối với hành vi này có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 về hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, mức phạt có thể lên đến 2 năm tù. Ngoài ra, có thể phải bồi thường theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về hành vi gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm.

Đối với hành vi vượt quá chuẩn sư phạm của cô giáo trên có thể chỉ cần chấn chỉnh, phê bình, nhắc nhở để rút kinh nghiệm là là được. Trường hợp nếu xét thấy hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, kỷ luật công chức, viên chức có thể xử lý theo quy định pháp luật bằng các hình thức tương xứng, chứ không thể xử lý kiểu côn đồ, chợ búa, trái pháp luật.

Có thể khẳng định rằng mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đều bị xử lý theo pháp luật, trong trường hợp này xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một nhà giáo lại càng phải bị lên án, phản đối mạnh mẽ hơn nữa. Bởi vì, hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo đã được giữ gìn, phát huy qua hàng ngàn năm của dân tộc ta.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ