Bất chấp lệnh cấm, Hà Nội vẫn trông giữ xe dưới gầm cầu

Bộ GTVT đã yêu cầu Hà Nội dừng trông giữ xe dưới gầm cầu. Hà Nội cũng phản hồi không cấp phép nhưng thực tế các điểm trông giữ vẫn tồn tại.

Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy kéo dài cả nghìn m2
Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy kéo dài cả nghìn m2

Tháng 3/2019, Bộ GTVT đã có văn bản bác đề xuất điều chỉnh một số nội dung Thông tư số 35 của Bộ GTVT để duy trì các điểm trông giữ xe dưới khu vực gầm cầu của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay nhiều điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vẫn ngang nhiên hoạt động.

Bãi xe dưới gầm cầu ung dung tồn tại

Có mặt tại khu vực cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) chiều 14/11, đập vào mắt PV là hàng trăm ô tô, xe máy vẫn án ngữ dưới gầm cầu với hàng rào sắt được dựng lên chắc chắn. Bãi xe rộng hàng nghìn m2 này được kéo dài từ trụ cầu T3 đến trụ cầu T14. Đơn vị khai thác điểm trông, giữ này là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội.

Dù tổ chức trông, giữ phương tiện song tại khu vực bãi xe, đơn vị chủ quản chỉ gắn duy nhất tấm biển với nội dung: Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội/Nơi trông giữ ô tô ngày và đêm kèm theo địa chỉ công ty. Ngoài ra, các thông tin về thời hạn cấp phép tại bãi đỗ này không được công khai.

Mỗi chiếc xe vào gửi, nhân viên đều đưa một phiếu có thông tin như: Tên công ty quản lý kèm số điện thoại, BKS, số phiếu, thời gian gửi, điểm trông, giữ có dấu đỏ in chìm và thu giá 5.000 đồng/xe máy/ban ngày.

Cùng với khu vực Vĩnh Tuy, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng đang khai thác một điểm trông, giữ tại khu vực gầm cầu vượt Mai Dịch. Ghi nhận của PV, hàng ngày gầm cầu phía đường Phạm Hùng được đơn vị chủ quản trông, giữ xe khách, xe limousine; Gầm cầu phía đường Phạm Văn Đồng trông giữ hàng chục ô tô con và hàng trăm xe máy.

Quan sát bên trong gầm cầu này, đơn vị trông giữ xe vẫn kê bàn viết vé, có bóng điện, tivi, loa đài và một nhân viên túc trực. Xung quanh gầm cầu được đơn vị phủ kín bằng hàng rào lưới sắt.

Một nhân viên tại đây cho biết, giá vé gửi xe máy ban ngày (từ 6h - 18h) là 5.000 đồng/xe, ban đêm là 8.000 đồng/xe. Đối với xe ô tô, mức giá ban ngày là 15.000 đồng/tiếng, 90.000 đồng/đêm.

Trước câu hỏi của PV về việc cấm trông, giữ phương tiện dưới gầm cầu, nhân viên thản nhiên cho biết: “Lãnh đạo vẫn yêu cầu trông giữ xe ở đây nên chúng tôi vẫn trông dù biết có lệnh cấm”.

Tương tự, tại các điểm gầm cầu Ngã Tư Vọng, bất chấp lệnh cấm vẫn nhộn nhịp người ra, kẻ vào gửi xe. Trong bãi hàng trăm ô tô, xe máy kín chỗ. Bên ngoài bãi, những tấm biển do Sở GTVT Hà Nội cấp phép trông giữ xe đã được dựng lên nhưng không ghi thời hạn.

Còn tại gầm cầu vượt Láng - Bưởi, lâu nay cũng được sử dụng làm bãi đỗ cho hàng chục chiếc ô tô. Ngày 18/11 có mặt tại đây, PV chứng kiến nhiều ô tô như các xe BKS: 29A-499.35, 29C-608.57, 30F-537.69, 30F-416.09… án ngữ tại gầm cầu theo hàng lối ngay ngắn. Tuy vậy, khi hỏi thông tin về chủ bãi xe này, đa phần mọi người đều né tránh và cho biết không có người trông coi.

Yêu cầu Hà Nội xử nghiêm vi phạm

Tìm hiểu của PV, tháng 3/2019, Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 35, cho phép TP Hà Nội được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023. TP Hà Nội cam kết đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại các vị trí trông giữ này.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã bác bỏ đề xuất của TP Hà Nội và khẳng định việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông giữ xe và sửa đổi một số điều của Thông tư 35 theo đề nghị của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở pháp lý.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã có rất nhiều công văn yêu cầu Hà Nội dừng trông giữ xe dưới gầm cầu. Hà Nội cũng phản hồi không cấp phép trông giữ nhưng thực tế các điểm trông giữ này vẫn diễn ra. “Bộ GTVT yêu cầu lực lượng chức năng của Hà Nội xử lý nghiêm các điểm trông giữ trái phép, không vì nhu cầu của người dân mà gây mất ATGT”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đã có đề xuất để lại một số khoang cầu không gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT làm bãi đỗ xe do Hà Nội đang rất thiếu nơi đỗ xe. Hiện, có 3 khu vực gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện đã được UBND TP cấp phép như: Gầm cầu Vĩnh Tuy có 6 vị trí trông giữ phương tiện; gầm cầu Chương Dương có 2 vị trí trông giữ phương tiện miễn phí, phục vụ mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng có 1 vị trí trông giữ phương tiện để phục vụ nhân dân khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Cả 3 gầm cầu này đều phục vụ nhân dân, bệnh nhân, vì vậy Hà Nội đang xin cơ chế đặc thù để có thể cấp phép thêm trong khi đang chờ các bãi xe tĩnh được đưa vào khai thác. Các vị trí gầm cầu khác Sở GTVT Hà Nội không cấp phép trông giữ phương tiện. Các phương tiện dừng, đỗ đều không đúng quy định”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 4 điểm đỗ khu vực gầm cầu. Cụ thể là, gầm cầu Vĩnh Tuy quản lý từ năm 2010; cầu Chương Dương; gầm cầu Ngã Tư Vọng và gầm cầu Mai Dịch.Cũng theo ông Đức, 3 gầm cầu: Vĩnh Tuy, Chương Dương, Ngã Tư Vọng đơn vị đang trông giữ theo quy định của UBND TP Hà Nội. Riêng điểm trông giữ xe gầm cầu Mai Dịch hiện công ty đang đề xuất Sở GTVT cấp phép do nhu cầu đỗ xe lớn.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.