Những việc “bi hài” trên diễn ra trong ngành Giáo dục Hà Tĩnh, đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì đâu nên nỗi? Các cơ quan ban ngành Hà Tĩnh cần có trách nhiệm hơn với những tồn tại này để bảo đảm quyền lợi cho trẻ em cũng như các giáo viên đang cống hiến cho ngành Giáo dục tỉnh nhà.
Năm học 2019 – 2020 đã diễn ra hết một học kỳ nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có hàng ngàn trẻ nhỏ chưa được đến trường học. Các em đang phải “lay lắt” ở nhà khiến phụ huynh bức xúc, lo lắng...
Trẻ không được đến trường
Năm học 2019 – 2020 đã diễn ra hết một học kỳ nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có trên 12.672 trẻ nhỏ thuộc 490 nhóm lớp không được tuyển sinh vào các trường mầm non công lập. Sự việc trên không chỉ “tước” đi quyền lợi của trẻ mà còn khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, bức xúc.
Có con gái gần 3 tuổi cần đến trường học như bao trẻ khác nhưng đầu năm học đưa con đến trường thì nhà trường không nhận, chị Nguyễn Thị Thanh, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) không khỏi lo lắng: “Nhà có con gái lẽ ra được đến trường học nhưng nay phải gửi cho ông bà chăm sóc để đi làm thuê”.
Theo chị Thanh, cả xã Phú Lộc chỉ duy nhất có một trường mầm non. Chuẩn bị bước vào năm học mới chị đã đến trường làm thủ tục, nộp hồ sơ để cho con vào học tại trường. Tuy nhiên, đến ngày nhập học không riêng con chị mà tất cả những trẻ lứa tuổi với con chị đều không được nhập học với lý do nhà trường không có giáo viên. “Ở nông thôn thì làm gì có các trường tư thục mà gửi con. Được mỗi cái trường mầm non công lập ở xã thì nhà trường lại không có lớp trẻ dưới 3 tuổi. Đây là trở ngại lớn nhất đối với vùng nông thôn. Con cái không có người chăm lo thì công việc của bố mẹ cũng theo đó bị trì trệ”, chị Nguyễn Thị Nhân – một phụ huynh ở xã Trung Lộc lo lắng.
Ngay ở TP Hà Tĩnh với điều kiện hơn hẳn so với các vùng nông thôn nhưng năm học này nhiều phụ huynh cũng than trời vì vướng phải quy định ngặt nghèo, khi các trường công lập chỉ được nhận trẻ từ 36 tháng trở lên; còn dưới 36 tháng hoặc là gửi trường tư thục hoặc là cho ở nhà. Chị Trà Giang (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) bức xúc: “Gia đình có 2 cháu, như mọi năm cả 2 đứa đều học cùng trường có bao nhiêu thuận lợi. Năm nay, đùng một cái, đứa lên 4 tuổi thì được đi học, đứa nhỏ 28 tháng lại phải gửi trường tư thục. Như vậy vừa tốn tiền, vừa khổ cho cả bố mẹ. Hai trẻ mầm non mà chi phí còn hơn 2 suất đại học” .
Thực tế nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc khi con mình trong độ tuổi 2 - 3 tuổi không được nhập học ở trường công lập như những năm trước. Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi thực sự rất bức xúc vì phương án tuyển sinh này sẽ gây khó khăn rất lớn đối với gia đình tôi. Nếu phải gửi con sang các trường tư thục thì chi phí quá cao so với thu nhập của chúng tôi. Trường tư thục thu 1 tháng bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng. Nếu không gửi con tại trường tư thục thì có khi phải bỏ việc để ở nhà trông con vì ở thành phố không có ai trông con cho cả” - chị Phượng nói.
Không chỉ lo lắng về học phí, các phụ huynh còn băn khoăn về môi trường học của con. “Nếu cho con học trường tư thục 1 năm sau đó chuyển về trường công lập sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con vì 2 môi trường này hoàn toàn khác nhau. Trẻ con hình thành thói quen, tính cách rất nhanh và để thay đổi được lại khó. Vì thế tôi không biết làm thế nào” - chị Nguyễn Thị Việt ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh băn khoăn.
Thiếu giáo viên, phòng học bỏ phí?
Theo các nhà chức trách, nguyên nhân dẫn đến việc cắt dừng tuyển sinh nhóm trẻ tại trường mầm non do liên quan đến việc thực hiện Nghị định Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về việc không ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên địa bàn TP Hà Tĩnh, đối với giáo viên tại các trường công lập, kế hoạch năm 2019 - 2020, TP Hà Tĩnh được UBND tỉnh giao chỉ tiêu 279 giáo viên (biên chế 233 người, hợp đồng có 46 người). Như vậy, tính theo căn cứ mức định biên của UBND tỉnh (đảm bảo 2 giáo viên/lớp) thì Sở Nội vụ chưa giao đủ chỉ tiêu giáo viên theo số lớp phân bổ. Số lượng giáo viên trên địa bàn TP Hà Tĩnh có 256 người, tính đến tháng 12/2019 sẽ có 5 giáo viên nghỉ hưu.
Như vậy, nếu so với chỉ tiêu giáo viên được giao toàn thành phố còn thiếu 28 giáo viên, nếu so với chỉ tiêu số lớp toàn thành phố còn thiếu 47 người. Trước mắt với số lượng giáo viên hiện có, toàn thành phố chỉ đáp ứng được tối đa 125 lớp, giảm 24 lớp so với chỉ tiêu, đồng thời số trẻ mầm non huy động vào trường mầm non công lập không đảm bảo kế hoạch.
Theo bà Hoàng Thị Khiêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lộc, huyện Can Lộc, nếu thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT quy định trẻ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi mỗi lớp chỉ nhận 25 trẻ và 2 giáo viên đứng lớp; tuy nhiên, để thực hiện đúng quy định thì trường còn thiếu 2 giáo viên mới tổ chức lớp dạy cho 25 cháu chưa được đến trường. “Trường cũng đề xuất bổ sung giáo viên hợp đồng và tăng thêm lớp để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Đây là thực trạng chung toàn tỉnh, nhưng đối với địa bàn xã, tỉ lệ các cháu dưới 36 tháng tuổi còn 25/50 cháu chưa được đến trường. Con số này là quá cao”, bà Khiêm nói.
Thông tin về hiện tượng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện, bà Nguyễn Thị Hường – Trưởng phòng Giáo dục huyện Can Lộc cho biết, đối với bậc mầm non trên địa bàn huyện hiện có 476 giáo viên (bao gồm biên chế và hợp đồng trong biên chế - PV) đáp ứng cho 238 nhóm lớp theo quy định đủ nhu cầu từ 3 tuổi trở lên. “Nếu tính số giáo viên biên chế trên địa huyện thì chỉ đáp ứng với số nhóm lớp 3 tuổi trở lên và không có lớp nhà trẻ. Bởi số nhóm trẻ này đang có trên 800 trẻ có nhu cầu đến lớp mà để đáp ứng nhóm lớp này thì phải cần trên 60 giáo viên” – bà Hường cho hay.
Còn tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, bà Đinh Thị Lan Hương - Phó phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, toàn huyện có 2.050 trẻ có độ tuổi 3 tuổi, trong đó khoảng 500 trẻ chưa được đến trường do thiếu giáo viên đứng lớp, trong khi nhiều phòng học vẫn bỏ trống. “Để số học sinh trên được đến trường theo đúng độ tuổi thì toàn huyện cần khoảng 20 phòng học và 40 giáo viên đứng lớp. Trong khi tại các trường mầm non trên địa bàn huyện vẫn còn thừa 50 phòng học nhưng không có giáo viên đứng lớp nên các phòng học hiện vẫn đang bỏ trống”, bà Lan thông tin.
Tại huyện Đức Thọ, ông Trịnh Hồng Mạnh -Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 350 trẻ em bậc mầm non có nhu cầu (có đơn xin nhập học – PV) chưa được đến trường. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Đức Thọ đang thừa đến 21 phòng học. Để tổ chức được cho các cháu có nhu cầu đến trường này thì phải có thêm 46 giáo viên đứng lớp...
Theo số liệu, Hà Tĩnh đang có trên 12.600 trẻ nhỏ thuộc 490 nhóm lớp không được tuyển sinh vào các trường mầm non công lập do thiếu giáo viên và thừa trên 400 phòng học. Điều đáng nói là các phòng học này đã được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn với kinh phí mỗi phòng từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nhưng nay bị bỏ phí.
Câu chuyện thừa thiếu giáo viên bậc mầm non ở Hà Tĩnh chưa bao giờ hết “sốt”. Theo số liệu tổng hợp từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, nếu tuyển đủ số giáo viên mầm non được giao theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh với định mức 2 giáo viên/lớp thì bậc mầm non toàn tỉnh có 4.885 giáo viên, tương đương việc sẽ tuyển sinh được 2.442 nhóm lớp với tổng số 75.303 trẻ theo kế hoạch (trong đó có 71.628 trẻ mẫu giáo, 3.675 trẻ nhà trẻ). Song, thực tế giáo viên bậc mầm non toàn tỉnh hiện có 4.514 người (thiếu 371 giáo viên).
Do vậy, khi chưa tuyển đủ giáo viên theo kế hoạch giao sẽ có 4.925 trẻ, tương ứng với 185 nhóm lớp chưa được tuyển sinh. Trên thực tế, khảo sát của các trường và các cấp chính quyền địa phương cho thấy số trẻ có nhu cầu đến trường nhưng không được tuyển sinh vì lý do thiếu giáo viên còn lớn hơn rất nhiều.