Giá giảm, thuế phí cũng cần phải giảm
Trong báo cáo về cập nhật đánh giá tình hình, tác động của dịch Covid-19 và định hướng thúc đẩy sản xuất kinh doanh năm 2020 của ngành gửi tới Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm gánh nặng cho người dân. Hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, chiếm khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.
Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp. Bộ cũng đề nghị xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5RON92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu hiện cũng được điều hành theo diễn biến của giá dầu thế giới. Nhưng với diễn biến của giá dầu thế giới giảm sâu như vậy mà mức thuế phí vẫn giữ nguyên thì rõ ràng thể hiện sự cứng nhắc của cơ quan điều hành. Việc Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế phí là đúng với quy luật thị trường. Trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, không chỉ riêng ngành xăng dầu mà tất cả các ngành khác, ngân hàng, chứng khoán… đều phải giảm tăng trưởng, giảm lợi nhuận.
“Việc giảm thuế, phí đối với xăng dầu là cần thiết để bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong điều hành kinh tế, cần thiết phải có sự linh hoạt theo thị trường. Không thể giữ nguyên mức thuế phí như khi giá xăng dầu ngưỡng 20.000 đồng/lít. Bởi hiện nay giá đã giảm chỉ còn quanh ngưỡng 12.000 đồng/lít. Việc cứng nhắc giữ nguyên mức thuế phí khi giá thị trường đã giảm rất sâu là không hợp lý”, PGS.TS Hoa Hữu Lân nhận định.
TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội thì cho rằng, việc giá xăng dầu giảm sâu mà thuế, phí chưa giảm, chính là biểu hiện của kiểu quản lý “nửa thị trường” đối với một số mặt hàng độc quyền như xăng dầu, điện, ô tô. Trong khi đó với các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, chè, dệt may… điều hành theo đúng thị trường, không độc quyền, nên giá luôn bảo đảm được điều tiết theo đúng sự lên xuống của thị trường. Việc bảo hộ một số ngành kinh doanh độc quyền sẽ dẫn đến hệ quả là người dân khó được thụ hưởng giá tốt dù cho giá thị trường thế giới có giảm sâu.
Độc quyền đội lốt thị trường
TS Đỗ Đức Định cho rằng, cách điều hành giá một số mặt hàng như xăng dầu, điện… hiện nay là độc quyền, dù nhìn bề ngoài có vẻ như cũng điều chỉnh theo giá thị trường. Thị trường lên thì giá lên, thị trường xuống thì giá xuống. Nhưng trong cơ cấu giá đó, phần thuế, phí luôn chiếm một phần rất lớn. Giống như ô tô, so sánh giá ô tô với Thái Lan thì xe mua ở Việt Nam luôn cao hơn 20 - 30%, trong khi đó mức thuế giữa các nước trong khu vực là như nhau. Nhưng để bảo hộ sản xuất trong nước, chính sách thuế nội địa đánh vào mặt hàng ô tô là rất cao. Xăng dầu cũng vậy, mức thuế, phí cấu thành giá cao như hiện nay thể hiện “một nửa bảo hộ độc quyền, một nửa thị trường”. Về lâu dài, phải tiến tới giống như điều hành lúa gạo, dệt may, để thị trường chi phối. Nếu đi ngược lại, sẽ bị thị trường thế giới chiếm lĩnh.
“Tuy vậy, để làm được điều này không dễ bởi Nhà nước phải bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu sao cho không xảy ra tình trạng khan hàng, hiếm hàng, đầu cơ… Do vậy để điều chỉnh giá gần hơn với giá thị trường thì phải dần dần tiến tới giảm dần khoản thuế, phí độc quyền, tăng dần thuế phí thị trường. Giảm độc quyền, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sẽ không có các tiêu cực đi kèm, khó có khả năng xuất hiện nhóm lợi ích trục lợi. Tăng dần tính thị trường bằng cách để thị trường tự điều tiết, tạo ra thị trường điện cạnh tranh, xăng dầu cạnh tranh, có sự quản lý chặt chẽ, thì giá thành khi đó sẽ buộc phải điều tiết theo thị trường”, TS Đỗ Đức Định cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh ngành kinh tế đang chật vật đối phó với dịch bệnh Covid-19, giảm thuế, giảm giá nhiên liệu là hợp lý. Giảm thuế bảo vệ môi trường lúc này sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giảm chi phí, giảm bớt gánh nặng lên các mặt hàng để người dân đỡ chật vật hơn và khả năng kiềm chế lạm phát dễ dàng hơn, tốt hơn. Tuy nhiên vấn đề lâu dài là điều hành các mặt hàng độc quyền làm sao để vẫn theo được cơ chế thị trường, không tạo ra những “khoảng trống lợi ích” trong các giai đoạn cần điều tiết giá cho phù hợp với thực tiễn.