Bất bình đẳng vắc-xin

GD&TĐ - “Vaccine apartheid” – sự phân biệt chủng tộc vắc-xin, đó là từ mà trang Politico chuyên về phân tích chính trị sử dụng để nói về tình trạng bất bình đẳng vắc-xin trên thế giới hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều tổ chức, nhiều tờ báo nước ngoài đã cảnh báo về tình trạng các nước giàu đang chạy đua để tiêm mũi vắc-xin tăng cường, cho dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi họ tạm dừng tiêm mũi thứ ba tới cuối tháng 9 tới – thời hạn mà WHO mong muốn tất cả các nước sẽ tiêm vắc-xin cho ít nhất 10% dân số của mình.

Nhưng các nước thu nhập thấp đang đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng. Thậm chí có nước đang cân nhắc chỉ tiêm nửa liều để kéo dài nguồn cung và đảm bảo cho người dân của họ ít nhất được bảo vệ chút ít khỏi virus.

Một số thống kê cho biết, chỉ có 1,4% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm mới mũi đầu tiên. Khoảng 82% số lượng vắc-xin đã chảy về các nước thu nhập cao và thu nhập trên trung bình. Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin cực kỳ “gây sốc”.

Theo con số của WHO, hơn một nửa trong số 5,4 tỷ liều vắc-xin trên thế giới được tiêm ở 10 nước giàu bao gồm cả Trung Quốc. Mỹ đã tiêm đầy đủ cho 58% dân số, Pháp 68%. Nhưng Pakistan với 238 triệu dân ở một khu vực bất ổn, mới tiêm được cho 14% dân số; Nigeria, nước đông dân nhất châu Phi, mới tiêm được 1% dân số.

Với tốc độ hiện nay, hầu hết dân số thế giới sẽ không được tiêm chủng vào cuối năm 2022 – 3 năm sau khi đại dịch bắt đầu. Trong khi đó virus tiếp tục lan rộng và biến chủng, tạo nên những chủng mới còn nguy hiểm hơn.

Việc các nước giàu muốn tiêm mũi thứ ba trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay chỉ nhấn mạnh sự bất bình đẳng gia tăng trong phân phối vắc-xin.

“Những người dễ tổn thương nhất trên thế giới và những người có nhiều nguy cơ nhất cần được tiêm liều thứ nhất và thứ hai trước khi một tỷ lệ lớn hoặc tất cả dân số các nước giàu được tiêm liều thứ ba” – bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia kỹ thuật chính về Covid-19 của WHO trả lời CNN gần đây. Bà thúc giục các nước như Mỹ sử dụng nguồn vắc-xin của họ theo cách “có ý nghĩa về đạo lý”.

Nhưng nhiều nước không muốn thay đổi chính sách của họ. Mỹ, Israel, Anh, Đức, Pháp, Hungary thuộc nhóm những nước đã tiêm tăng cường liều ba hoặc dự định sẽ làm như vậy.

Nhiều nước EU khác thì chờ đợi xem các nhà quản lý EU khuyến cáo gì trong các tuần tới trước khi theo đuổi chính sách này. Hiện chưa thể chắc chắn kế hoạch liều vắc-xin tăng cường sẽ ảnh hưởng đến viện trợ vắc-xin thế nào, nhưng có thể thấy rõ sự chậm trễ trong việc chuyển giao vắc-xin cho các nước nghèo hơn.

Theo Politico, cùng với những đơn đặt hàng ban đầu, EU đã ký hợp đồng mua thêm 1,8 tỷ liều vắc-xin BioNTech/Pfizer từ giờ đến năm 2023. Cuối tháng Tám vừa qua, Anh mua thêm 35 triệu liều vắc-xin cùng loại trên. Mỹ cũng sẽ có thêm hơn 1 tỷ liều vắc-xin  nữa từ giờ đến cuối năm nay nếu họ tiêm vắc-xin cho tất cả người Mỹ từ 5 tuổi trở lên.

Những con số này vượt qua con số đã được cam kết. Các nước EU hứa viện trợ ít nhất 200 triệu liều vắc-xin từ giờ đến cuối năm, Anh cam kết 100 triệu liều cho đến giữa năm 2022, Mỹ cam kết 500 triệu liều cũng khung thời gian này. Điều này có nghĩa là các nước giàu vẫn có số liều dư để tặng nhiều hơn nữa. Tiềm lực tài chính cho phép họ làm điều đó.

Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, đã chỉ trích kế hoạch các nước giàu ưu tiên cho người dân của họ là “đưa phao cứu sinh thừa cho người đã có phao cứu sinh, còn mặc kệ người khác chết đuối”.

Tất nhiên, cũng có nhiều người cho rằng không cần phải chọn giữa liều thứ ba và việc viện trợ cho nước nghèo. Theo họ, điều cần thiết là phải đẩy mạnh sản xuất vắc-xin trên khắp thế giới chứ không phải chỉ tập trung vào số vắc-xin sẵn có.

Tuy nhiên đây là vấn đề lớn liên quan đến năng lực, công suất, bản quyền vắc-xin. Và một điều nữa là lợi nhuận của các tập đoàn sản xuất vắc-xin cũng như của những nhóm lợi ích buôn bán vắc-xin – đó là điều mà một số tổ chức phi chính phủ quốc tế đã lên án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.