Bấp bênh mùa nước nổi

GD&TĐ - Người dân miền Tây Nam Bộ quê tôi ít gọi mùa nước nổi là mùa lũ. Họ thích dùng cách gọi “tháng nước” hay “mùa nước nổi” hơn. Tháng nước có năm sớm, năm trễ nhưng thông thường bắt đầu vào tháng Bảy và kết thúc cuối tháng Mười âm lịch. 

Sản vật mùa nước. Ảnh minh họa
Sản vật mùa nước. Ảnh minh họa

1. Khi mấy công đất cuối cùng của vụ hè thu cắt lúa xong, nhìn con sông cái nước chảy đỏ quạnh màu gạch chín, dân quê tôi lại lục đục chuẩn bị đón mùa nước nổi.

Công việc quan trọng nhất đầu mùa nước nổi là chuẩn bị cho vụ đánh bắt cá tôm. Khó có thể kể hết những nghề hạ bạc tháng nước. Lúc nước chụp lên người ta đặt lọp ếch, nhấp ếch, đặt trúm lươn, cắm câu cá lóc bằng mồi nhái, đặt lờ cá sặc, đặt xà di cá rô, giăng lưới... Nước lớn chút nữa thì giăng câu là chủ yếu.

Giăng câu cá lóc bằng mồi cua con, giăng mồi trùn thì dính cá trê, cá trèn. Hoặc giăng mồi tép, mồi ốc, mồi cá linh non, mồi kiến đều được. Dớn thì đặt suốt mùa nước, từ khi nước mới chạy đồng cho tới khi nước rút cạn. Dớn có thể bắt được nhiều loại cá tôm, nhưng chủ yếu là cá linh.

2.Ông Tư Pha là người đặt dớn giỏi nhất xóm tôi. Ông có hơn mười bầu dớn, đặt khắp cánh đồng, mỗi sáng đổ được cả ghe cá linh. Cá nhiều đến mức không cân ký bán nổi, toàn đong bằng thúng cho người ta ủ nước mắm. Hồi ấy người ta ít ăn cá linh, chủ yếu ăn mấy loại cá lớn. Chủ dớn gặp ai mua cá linh ăn cũng không bán, chỉ cho. Bởi vậy mới có câu thành ngữ “rẻ như cá linh sình”.

Giăng câu giỏi thì có ông Hai Hậu xóm dưới. Ông giăng cỡ hai thiên câu (khoảng hai ngàn lưỡi câu), tùy theo luồng mà móc mồi khác nhau, cá dính đủ loại. Có lần nhậu ngà ngà say ông bảo, tui thấy con cá nào ngớp một cái là có thể đem câu giăng dính liền. Mấy ông kia không tin, thách Hai Hậu ngon giăng mấy con cá ngựa gần đống chà ở vàm sông đi.

Lúc ấy cả xóm tôi chẳng ai biết cá ngựa ăn mồi gì, tưởng thách vậy Hai Hậu thế nào cũng bẽ mặt. Ai dè ổng xách đoạn câu chừng chục lưỡi, bơi xuồng đi hơn nửa tiếng đồng hồ đem về hai con cá ngựa bự chảng. Mấy ông kia bái phục, đãi Hai Hậu nhậu tới chiều.

Nhưng hỏi hoài ông Hậu cũng không nói giăng mồi gì dính được cá ngựa. Dân hạ bạc nhiều khi “giấu nghề”, không dễ gì chỉ khơi khơi được. Mãi sau này, có lần bà Hai đội thao cá ngựa đi bán, không biết tại sao có một con cá chạch đực bị ói ra trong thao, thế là “bí quyết giăng câu cá ngựa” bị bại lộ.

Đó là việc giăng câu mấy con cá thuộc loại “khó tính”, chứ kiểu như cá lóc, cá trê thì dân quê tôi rành sáu câu vọng cổ. Ngay cả mấy đứa nhỏ sáu bảy tuổi đầu cũng giăng được.

Nghề nhấp ếch cũng hấp dẫn với dân tôi. Quê tôi thường đi nhấp chuyến trên vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, miệt Tân Châu, An Phú vì trên đó ếch nhiều. Một chuyến nhấp thường kéo dài khoảng mười bữa hay nửa tháng gì đó, tùy tình hình trúng hay thất. Mỗi người một xuồng, đi thành từng đoàn năm bảy xuồng để có gì hỗ trợ nhau.

Trên xuồng ai cũng trang bị đầy đủ từ chiếc cà rèm để che mưa nắng, đến gạo muối bếp lò, thuốc men. Đặc biệt không thể thiếu mấy cây cần nhấp. Thường mỗi người đem theo khoảng ba cây để sơ cua, sợ nhấp gãy giữa chừng. Cần nhấp làm bằng cây trúc, dài chừng sáu thước, đọt cột cọng dây gân dài chừng ba thước, tóm lưỡi câu to. Có thể nhấp bằng nhiều thứ mồi khác nhau nhưng mồi nhái xanh là tốt nhất. Nhái xanh dễ kiếm khi nước lên, da nhái xanh dai nên rất tiện dụng, nhiều khi nhấp được cả chục con ếch mà mồi vẫn còn nguyên.

Trước đây, tôi có đi nhấp mấy chuyến với ông Năm Hùng, tay nhấp nổi tiếng xóm tôi. Ông cũng là người truyền dạy cho tôi nghề nhấp ếch. Ông bảo, run cần nhấp phải đều đặn thì ếch mới dạn ăn. Đối với mấy con ếch đói mồi thì dễ, bởi đớp mồi lần này không được nó sẽ đớp lần khác. Còn mấy con no mồi hay nhát mồi thì phải kiên trì, nếu chúng đớp mồi trật thì rất ít khi đớp lại.

Chỉ nghe tiếng đớp mồi là ông phân biệt được ếch nhỏ hay bự. Con ếch nhỏ nhảy đớp mồi nghe tỏm tỏm, đớp được mồi thường lôi đi hoặc lặn xuống ngay. Còn ếch bự đớp mồi rất điềm tĩnh, hầu như ít gây ra tiếng động. Đớp xong nó không lặn ngay mà ngậm mồi thăm dò, lúc này mà giật thì khó dính. Phải đợi nó nuốt trọn con mồi rồi lặn xuống, lúc đó giật thì đừng hòng sẩy được.

Ông Năm còn dạy tôi cách phân biệt ếch ăn mồi và chuột, rắn hay cá lóc ăn mồi. Mỗi loại đều có cách xử lý riêng. Đó là kinh nghiệm hơn hai mươi năm lênh đênh sông nước của ông.

3. Nghề hạ bạc xôm tụ nhất vào thời điểm nước mới chụp lên và khi nước rút gần cạn đồng, chứ lúc nước bêu thì chịu. Nước bêu là thời kỳ nước đạt đỉnh cao nhất của mùa nước nổi. Khi ấy cánh đồng mênh mông nước, cây cỏ ngập hết, cả những cây thân gỗ lớn như còng hay gáo cũng bị ngập gần tới đọt. Dớn đặt lút bầu nên cá chạy ít.

Lưới giăng rất khó vì nước sâu, lại hay sóng gió dễ bị rách nên ít ai chọn cách đánh bắt này. Một cơn giông có thể biến cả chục tay lưới thành đống bùi nhùi như chơi. Có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất của người dân vùng nước nổi. Mỗi nhà thường chỉ sống dựa vào mấy luồng câu giăng cá lóc, thu nhập nhiều khi cũng chỉ đủ đong vài lon gạo mỗi ngày. Bởi thế, nhiều nhà bị đói.

Nhà tôi cũng bị đói mấy bận lúc nước bêu vì đông miệng ăn, lúa trữ trong bồ không đủ, câu lưới lại gặp cảnh sóng gió bấp bênh. Thường thì chúng tôi sẽ ăn một bữa cơm vào buổi chiều và bữa cháo loãng vào buổi sáng. Má tôi với mấy chị hái bông điên điển, bông súng, rau muống trộn lại ăn kèm cho đầy bụng.

Cá mắm thì có nhiều nhưng cũng không thể ăn thay cơm cháo được. Cái đói gặm nhấm xác thân. Chúng tôi sống trong căn nhà ngập nước phải kê lên bằng mấy tấm ván, chỉ bằng cỡ hai cái giường nhập lại. Cả chục người nheo nhóc trong ấy, ăn ngủ, ngồi nằm chen chúc nhau, ánh nhìn lúc nào cũng ngập trong biển nước mênh mông.

Nhà tôi chỉ có một chiếc xuồng bự, thay phiên nhau khi thì đi giăng câu, khi đi hái bông điên điển, khi đi chợ. Anh Bảy tôi làm thêm chiếc bè chuối để bơi xung quanh nhà, hoặc bơi qua mấy nhà lân cận khi có việc cần.

Sống chật vật, tù túng nên cỡ nước bêu thường có nhiều người chết. Có người đi xuồng giữa đồng giăng câu giăng lưới gặp sóng to gió lớn, chìm xuồng chết. Trẻ sơ sinh cũng chết nhiều vì cha mẹ chỉ lơ là một chút là các em rớt xuống, bị dòng nước cuốn trôi. Người già thì chết vì đói, vì bệnh tật thiếu thuốc men.

Nói chung có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết trong mùa nước nổi, nhưng chết rồi thì ai nấy đều phải trải qua một “nỗi khổ” chung là không có chỗ chôn cất. Nước ngập khắp mọi nơi, không còn lấy một gò đất nào nhô lên khỏi mặt nước. Dân quê tôi không có tục hỏa táng, nên đành chọn cách... thủy táng.

Tùy vào hoàn cảnh mỗi nhà mà người mất được thủy táng bằng hòm, đóng đinh và dùng dây quấn lại thật chặt, sau đó nhấn xuống nước. Nhà nghèo thì kiếm mấy cối (bình thường cối này dùng để xay bột) cột chặt vào thi hài, tìm một chỗ nào đó nhấn đá chìm...

Má tôi mỗi khi chứng kiến cảnh tượng ấy thường chỉ thở dài than, ở cái xứ này, sống thì cực thân chết thì cực xác. Sau này tôi chợt nghĩ, mẹ sông Mê Kông mang phù sa về bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ này phì nhiêu, mang cá tôm về nuôi sống người dân nơi đây, nhưng mẹ cũng lấy đi nhiều thứ lắm. Có những thứ dòng nước cuốn đi rồi mãi mãi chẳng bao giờ trở lại.

Âu đó cũng là quy luật muôn đời của tạo hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.