Thuê đồng săn súng ma
Cũng như rất nhiều nghề “săn” khác, công việc săn súng ma của những nông dân ở vùng Khánh Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) những ngày này rất bận rộn, hối hả.
Khác với những bông súng bình thường, súng ma hiếm hơn rất nhiều. “Súng ma là loài súng mọc trong mùa nước nổi ở những bưng đồng hoang dã. Chúng có bông màu tím và màu trắng như súng thường nhưng bông chỉ nở ban đêm, khi gặp ánh mặt trời là tàn, héo rũ, chìm xuống nước, nên người dân ở đây gọi là súng ma.
Nếu bông súng thường dài 2-3m thì súng ma dài tới 6-7m (gần bằng tòa nhà 2 tầng). “Muốn hái cây súng ma, người dân phải đi vào ban đêm, khi chúng bắt đầu nở bông. Tuy nhiên, ban đêm lặn xuống nước rất nguy hiểm nên những người hái súng ma thường rủ nhau đi lúc tờ mờ sáng thành từng nhóm gồm vài ba người. Họ lặn xuống dưới nước, lần theo gốc súng để rút lên. Khi mặt trời lên chênh chếch là hoa súng đã tàn”, anh Trần Văn Vinh, 39 tuổi, một người săn súng ma ở xã Khánh Hưng (huyện Tân Hưng) chia sẻ.
Do mùa nước nổi chỉ diễn ra trong thời gian khá ngắn, từ 2-3 tháng, nên những nông dân nghèo phải tranh thủ mọi lúc để thu hái bông súng. Họ hầu như trải suốt ngày trên đồng, ăn ngủ ngay trên ghe chỉ để hái súng.
“Ban ngày chạy lòng vòng, tìm những cánh đồng có nhiều súng rồi đợi khi mặt trời lặn, mọi người chia nhau ra để hái. Còn nếu buổi tối mới tìm thì không được bao nhiêu cả. Có hôm chúng tôi ở Khánh Hưng, Long Khốt nhưng hôm sau lại ngược miết sang bên Tân Công Chí, Thông Bình hay mạn Gò Gòn, Gò Pháo. Cũng may, mùa nước nổi năm nay, những cánh đồng biên giới ở đây đều ngập sâu trong nước. Mà chỗ nào có nước ngập sâu thì rất hay có súng ma mọc. Súng hái xong rồi đưa lên ghe, chở về dưới Hồng Ngự, Sa Rài là có thương lái thu mua”, anh Vinh kể tiếp.
Trong mùa này ở vùng biên giới, cuộc sống của người dân sôi động, nhộn nhịp và gấp gáp hơn rất nhiều, từ những người đánh bắt cá cua cho tới những người săn chim trời, súng ma. Với họ, món quà mà thiên nhiên, cụ thể là mùa nước nổi phù sa đem tặng, đang ngày một hiếm hoi, quý giá hơn nên nếu không tranh thủ kiếm tìm, rất có thể chúng sẽ biến mất mãi mãi.
Nhiều người cho biết, cũng như các sản vật khác, bông súng đang ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu lại tăng cao nên nhiều nhóm đã sang bên kia biên giới thuê những cánh đồng hoang ở Phum Rông, Kam Pong hay Ca Cót để hái súng ma. “Những cánh đồng bên kia biên giới phần lớn là hoang dã, súng nhiều vô kể nhưng mình phải thuê thì mới có người dẫn đường qua đó hái được.
Những năm gần đây, người dân ven biên giới vẫn thường qua đó thuê đồng để khai thác thủy sản mùa nước nổi, nhưng trước kia thường chỉ đóng dớn, quây chà chứ hái súng thì ít. Tuy nhiên, hiện nay súng cũng có giá trị cao nên thuê đồng hái súng cũng lời lắm. Chỉ mất công đi xa. Hái xong, gom lên vỏ lãi chạy gần hai tiếng mới về tới đây”, một người dân ở ngay ngã ba sông Sở Hạ, đoạn chảy qua xã Thường Thới B (Hồng Ngự, Đồng Tháp) chia sẻ.
Sở dĩ gọi là súng ma bởi chúng hay nở ban đêm. Và cũng do người hái súng phải đi ban đêm, như ma trên đồng vậy. Mặc dù chỉ là tên gọi, nhưng súng ma thật đặc biệt. Những cư dân ở đây bảo, chỉ cần nước nổi tràn về dăm hôm là những bưng đồng hoang vu bỗng nhiên xuất hiện các lá súng nhỏ xíu, li ti. Dăm ngày sau, chúng to dần, có bông lấm chấm. Mà lạ lắm, nước cao tới đâu, chúng cao tới đó. Cao dăm bảy mét trong nước chỉ trong một thời gian ngắn là đặc trưng riêng biệt của loài súng này.
Những đồng súng bạt ngàn ở Vĩnh Hưng |
Bảo tồn loài cây quý
Ở miệt châu thổ, những người săn súng ma “chuyên nghiệp” vẫn có thể săn chúng trên những cánh đồng, dòng kênh nhỏ hơn. Mặc dù sản vật đang khan hiếm nhưng mẹ thiên nhiên vẫn chia đều cho tất cả. Thế là, từ những cô cậu bé, những người phụ nữ đến người già ở miền châu thổ này, họ đều thạo cách hái súng ma.
Tại những khu chợ “chồm hổm” nho nhỏ buôn bán đủ thứ sản vật mùa nước nổi, thì súng ma là loại không thể thiếu. Chợ thường nằm nơi các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ giao với đường dân sinh, giao với sông ngòi, nơi có cầu bắc qua… Ở đó, những ghe đi lấy súng mà trở về, cập vào để đưa hàng lên bờ. Rồi thương lái đợi sẵn, mua xong đưa lên ô-tô mang về các thành phố như Long Xuyên, Cần Thơ hay TPHCM tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Liên, một thương lái buôn súng ma ở ven đường quốc lộ 30 ngay thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết, hiện nay mỗi ngày chị thu mua chừng 70-80 bó súng gửi lên Bình Chánh (TPHCM) cho bạn hàng.
“Mỗi bó súng ma có giá 180 ngàn đồng. Ở đây, từ nhiều năm qua người ta mua bán súng ma đều theo bó chứ không theo trọng lượng bởi súng ngâm dưới nước, trọng lượng không chính xác. Hơn nữa, những người săn súng ma chủ yếu là nông dân trong vùng, có thói quen buộc súng theo bó vì chúng rất dài. Súng dài nhưng từ bông cho tới thân, ngọn đều sử dụng được”, chị kể. Chị Liên không chỉ buôn súng ma mà còn buôn nhiều loại bông, rau khác như điên điển, hẹ nước, so đũa…
Theo những người dân vùng châu thổ, bây giờ súng ma không còn nhiều và cũng không mọc tràn lan như cách đây chừng chục năm. Một phần vì người săn tìm nhiều, một phần ngay cả mùa nước nổi của vùng châu thổ cũng bị biến đổi, có năm nước ít không đủ tràn đồng cho súng mọc. Như năm nay, nước nổi tràn về nhiều thì súng ma mới có nhiều.
Đó là lý do nhiều người dân ở đây bắt đầu tìm cách bảo tồn, trồng loài cây lạ lùng này. Cách bảo tồn súng ma cũng khác với những loại cây khác. Theo đó, ở những cánh đồng thường xuất hiện súng ma, người ta để dành không trồng các loại cây khác như lúa, mà để ngập. Có thể nuôi thêm ít thủy sản khác và chờ đợi.
Nhiều khu vực ở Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Tràm Chim…, người ta bảo tồn súng ma như thế. Và kỳ lạ thay, trên những cánh đồng bỏ hoang ấy, người ta không chỉ thu hoạch được súng ma khi mùa nước nổi tràn về mà còn có cả lúa ma, sen hồng…, những sản vật đặc trưng chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi. Có lẽ, đó cũng là cách tốt nhất để những cây súng ma sống lâu hơn với cư dân vùng châu thổ này, dù nó không hoàn toàn mang tính tự nhiên như xưa nữa.