Từ đầu năm 2025 đến nay, tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã xảy ra hàng chục cái chết thương tâm, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ.
Hồ tưới cà phê - “bẫy” chết người
Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước. Với nhu cầu tưới tiêu lớn vào mùa khô, người dân buộc phải đào ao, hồ trữ nước trong khu dân cư và nương rẫy. Đáng nói, những hồ tưới tự phát này không có rào chắn, biển cảnh báo.
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT và UBND các tỉnh Tây Nguyên, mỗi năm có hơn 100 vụ đuối nước trẻ em, trong đó gần 1/3 xảy ra tại các hồ tưới cà phê tự tạo. Nhiều vụ đuối nước tập thể đã để lại nỗi đau tột cùng cho các gia đình và địa phương.
Mới đây nhất, tại Đắk Nông xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm ở huyện Đắk R’lấp và Đắk Mil, cướp đi sinh mạng của 4 trẻ, trong đó có 2 anh em ruột. Các em tử vong khi tắm tại hồ tưới cà phê do người dân tự đào giữa rẫy, không có người lớn trông coi.
“Tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn thương tích, làm 12 trẻ em tử vong, trong đó có 10 em chết do đuối nước, chủ yếu ở vùng nông thôn khó khăn”, ông Lê Bá Cường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết.
Còn theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, từ năm 2023 đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh ghi nhận 56 vụ đuối nước ở trẻ.
Tại Đắk Lắk, tình hình cũng không khả quan hơn. Năm 2024 có hơn 50 trẻ em tử vong do đuối nước. Riêng 3 tháng đầu năm 2025 ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong trong hai vụ đuối nước. Trước đó, 2 vụ xảy ra tại xã Ea Bhôk và xã Ea K’tur (huyện Cư Kuin) khiến 6 trẻ em tử vong, trong đó có 3 anh em ruột.
Tại Lâm Đồng, chỉ riêng năm 2024 đã có 30 trẻ tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu, theo UBND tỉnh này, là do trẻ em tự ý đến tắm tại suối, ao hồ không đảm bảo an toàn, không có người lớn giám sát.

Tăng cường cảnh báo, ngăn ngừa tai nạn
Trước thực trạng báo động này, ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng tại Tây Nguyên đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để giảm thiểu tai nạn đuối nước.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nguyên nhân của các vụ đuối nước đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Sự thiếu giám sát của người lớn, trẻ em chưa được trang bị kỹ năng bơi và kỹ năng thoát hiểm; ao hồ, giếng nước, hố công trình không rào chắn; biển cảnh báo còn thiếu và công tác tuyên truyền chưa đến được tận hộ gia đình.
Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh và phụ huynh. Các trường học cũng thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn trường học trong mùa nắng nóng”.
Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh nói trên khẳng định: Sở tiếp tục đề nghị nhà trường tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh. Đồng thời tăng cường lồng ghép giáo dục kỹ năng sống và phòng chống tai nạn thương tích vào các buổi sinh hoạt dưới cờ. Ngoài ra, nhà trường còn phải thường xuyên phối hợp với phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe và quản lý thời gian vui chơi ngoài giờ học của học sinh.
Về phía cộng đồng, UBND các tỉnh này cũng giao nhiệm vụ cho ngành chức năng và địa phương rà soát các điểm nước nguy hiểm trong khu dân cư, cắm biển cảnh báo, dựng rào chắn. Yêu cầu chủ hồ, chủ đất có hồ tưới phải chịu trách nhiệm giám sát và đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Ngành Y tế các địa phương cũng vào cuộc, tăng cường tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong học đường, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng cực điểm sắp tới.

Không để trẻ em đơn độc trước hiểm họa
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em là trách nhiệm toàn xã hội.
Bởi, đuối nước không phải là “tai nạn bất khả kháng” nếu có sự vào cuộc của toàn xã hội. Mỗi người dân, mỗi phụ huynh, thầy cô giáo và chính quyền cần chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ.
Từ đó, Sở GD&ĐT các tỉnh Tây Nguyên đưa ra giải pháp: Đối với gia đình, cần dạy trẻ kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước từ sớm; không để trẻ tự do tắm ở ao hồ; luôn giám sát trẻ khi vui chơi gần khu vực có nước; đậy nắp các vật dụng chứa nước trong nhà; dạy trẻ gọi người giúp đỡ đúng cách thay vì tự cứu bạn trong nước khi chưa có kỹ năng.
Đối với nhà trường, ngoài giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn, cần tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp hè để học sinh không tụ tập tắm ao hồ, suối. Đồng thời, tăng cường hoạt động thể chất giúp học sinh nâng cao thể lực, sức bền để ứng phó với nguy hiểm.
Đối với chính quyền, cần ban hành quy định rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ các hồ tưới, giếng nước và công trình chứa nước trong khu dân cư; yêu cầu gắn biển cảnh báo ở tất cả điểm nguy hiểm; kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức xã hội đồng hành mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng khó khăn.
Khi mùa Hè đang đến gần, hơn lúc nào hết, mỗi người lớn cần đặt sự an toàn của trẻ em lên hàng đầu. Một hành động nhỏ, một lời nhắc nhở, một rào chắn kịp thời… có thể cứu được cả một mạng sống. Bảo vệ trẻ em trước hiểm họa đuối nước không chỉ là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Từ năm 2023 đến hết tháng 4 năm 2025, tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng xảy ra hơn 140 vụ đuối nước trẻ em. Trung bình mỗi năm, riêng tại Đắk Lắk và Đắk Nông có hơn 50 trẻ em tử vong do đuối nước.
Trong văn bản mới nhất gửi đến các đơn vị, trường học, Sở GD&ĐT 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đều khẳng định: Sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích trong trường học. Đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em.