Trung đoàn Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (ảnh TL) |
(GD&TĐ) - “Đứng trước linh cữu Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, nước mắt tôi rưng rưng. Cách đây hơn 60 năm bố tôi Hoàng Siêu Hải, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô đã thề quyết tử bảo vệ Hà Nội dưới mệnh lệnh trực tiếp của Đại tướng” – Ông Hoàng Trung Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng xúc động nói về những kỷ niệm của bố ông.
Ký ức về người bố
Ông Hoàng Trung Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Cao Bằng kể: Bố tôi quê ở Cao Bằng và đã mất lâu rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy ông không hề đi xa mà vẫn còn đâu đó quanh tôi. Ông là người thầy đầu tiên dạy tôi về cuộc sống, về cách mạng, về nhân cách.
Có lẽ vì ông ảnh hưởng tính con nhà binh vì đã học ở Trường quân sự Liễu Châu (Trung Quốc) rất sớm, cùng với những vị tướng khác như: Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập…. Ông trở về Cao Bằng và tham gia cách mạng, được sự huấn luyện trực tiếp từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này nhiều lần ông kể về thời gian được gần gũi Võ Đại tướng và Cụ Hồ trong những năm ở Pắc Pó. Vì là người Cao Bằng rất thông thạo địa hình nên nhiều lần ông đã làm liên lạc cho cấp trên rồi huấn luyện dân quân tự vệ. Sau hòa bình lập lại ông chuyển ngành và trở về làm cán bộ tỉnh rồi mất vào năm 1975.
Thời kỳ làm công tác ở Tỉnh ủy Cao Bằng, trong một lần kỷ niệm 45 năm kỷ niệm Trung đoàn Thủ đô, tôi có dịp vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi mọi người giới thiệu tôi với Đại tướng là con của Hoàng Siêu Hải, ông Giáp đã ôm lấy tôi rất xúc động, hỏi thăm rất nhiều về bản thân, về gia đình và động viên.
Nhắc lại hình ảnh về bố, ông Giáp nói: “Thôi thế bây giờ là tốt rồi, con cái đã nối được nghiệp cha, thỏa được mong ước của cha ngày xưa là xây dựng Tổ quốc và Cao Bằng cho tươi đẹp hơn. Mong cháu hãy phấn đấu cho tốt nhé, để xứng đáng là con của Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô đã thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”
Chiến đấu theo mệnh lệnh của Tướng Giáp
Ông Hoàng Siêu Hải sinh năm 1917, người Tày cán bộ quân sự cùng thời với những cán bộ, học trò thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Lê Quảng Ba, Đàm Minh Viễn, Đàm Quang Trung…. đã đi từ căn cứ địa Cao Bằng (Pắc Pó) về Hà Nội tham gia giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhiều người trong số họ đã trở thành những vị tướng, những vị lãnh đạo quân sự đầu tiên của chính quyền Cộng hòa non trẻ trước nạn ngoại xâm. Một số người được cử đi Nam tiến, số còn lại như Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng, Hoàng Điền, Hà Tấn Công, Lý Hải… đều được nhận trọng trách ở những địa bàn trọng yếu ngoài Hà Nội, chỉ có một mình Hoàng Siêu Hải là ở lại trong thành Hà Nội với vệ quốc quân.
Đã nhiều lần, Hoàng Siêu Hải đề đạt nguyện vọng với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đến những điểm nóng nhất trực tiếp cầm súng chiến đấu, nguyện vọng chưa được giải quyết thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Bộ đội vệ quốc quân của Hoàng Siêu Hải cùng lực lượng tự vệ và toàn dân thành phố Hà Nội hợp thành một lực lượng chủ lực.
Trải qua những ngày chiến đấu ác liệt, Hoàng Siêu Hải mới nhận thấy những tháng ngày rèn quân, chỉnh cán để chờ ngày ra quân thật là có ích, có được từ tầm nhìn xa, trông rộng của Cụ Hồ và Đại tướng Giáp.
Với một lực lượng nhỏ và trang bị vũ khí kém hơn nhiều so với quân Pháp, bộ đội vệ quốc quân thành Hà Nội đã liên tiếp lập chiến công: Bảo vệ vững chắc Bắc Bộ phủ ngày 20/12; Đánh thắng tại khu vực Bộ Quốc phòng và trại Vệ Quốc Đoàn Trung ương (Hàng Bài); Trận tập kích quân Pháp trên Yên Phụ; trận tập kích vào nhà Tiền đêm 23/12 giành thắng lợi lớn….
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô trong một thời gian nhất định, theo lệnh của Trung ương Đảng nửa đêm ngày 17/2/1947 Hoàng Siêu Hải và hơn 1.200 người gồm các chiến sĩ, phụ nữ, trẻ em, thương binh bí mật luồn qua dưới gầm cầu Long Biên rồi vượt sông trên những chiếc thuyền nan trở về tập kết an toàn bên bờ hữu ngạn sông Hồng.
Ngày 21/2/1947 Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Trần Quốc Hoàn, Vương Thừa Vũ đã đến thăm Trung đoàn Thủ đô tại làng Thượng Hội. Tổng tư lệnh đã siết chặt tay Hoàng Siêu Hải - Trung đoàn trưởng, Lê Trung Toản - Chính ủy... và nhiều cán bộ khác.
Họ đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Con đường chinh chiến lại tiếp tục trải dài với Hoàng Siêu Hải. Ông tham gia các chiến dịch Biên giới, Điện Biên... và cùng đồng đội trở về Hà Nội yêu dấu sau 9 năm dài kháng chiến.
Nguyễn Thiên Việt