Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo

GD&TĐ - Vừa qua, tọa đàm 'Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường' đã diễn ra. 

Tọa đàm trực tuyến 'Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường' đã diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sự kiện nhằm tạo diễn đàn để các nhà báo, luật sư cùng nhau thảo luận về thách thức cũng như biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho nhà báo khi tác nghiệp.

Chương trình có sự góp mặt của ba khách mời: Nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng (báo VietNamNet), Nhà báo Trần Sơn Bách (báo Nhân Dân) và Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Thực tế, tại các cơ quan báo chí hiện nay, tác phẩm báo chí điều tra đóng vai trò quan trọng trong việc định vị được tôn chỉ, chất lượng của toà báo. Thế nhưng, quá trình tác nghiệp những tác phẩm này không hề đơn giản, đòi hỏi năng lực chuyên môn, khả năng ứng biến các tình huống của đội ngũ phóng viên, nhà báo và đặc biệt là hành lang pháp lý.

Bàn luận về vấn đề này, nhà báo Trần Sơn Bách chia sẻ: 'Điều mà nhà báo cần nhất không chỉ là kỹ năng chuyên môn, mà còn là một hành lang pháp lý vững chắc, đủ mạnh để bảo vệ họ trong quá trình tác nghiệp. Hành lang pháp lý này không chỉ giúp đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, mà còn tạo sự vững tin, khích lệ các nhà báo cống hiến hết mình cho nghề nghiệp, từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội và mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng'.

anh-1.jpg
Nhà báo Trần Sơn Bách (ngoài cùng bên trái) trao đổi tại tọa đàm.

Cùng trao đổi về thực tiễn bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, luật sư Lê Hồng Hiển, nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng, bày tỏ quan điểm: 'Với nghề báo, dựa vào sự hỗ trợ của người dân giống như mọi lực lượng khác, chính là một chỗ dựa an toàn và vững chắc. Người dân không chỉ là nguồn tin mà còn là cầu nối đưa người làm báo đến với những dữ liệu thực tiễn, phong phú và đôi khi là độc nhất'.

anh-2.jpg
Bổ sung và khẳng định thêm quan điểm của anh Bổng, nhà báo Trần Sơn Bách cho rằng, nhà báo vừa phải tạo được niềm tin với dân nhưng đồng thời phải duy trì được niềm tin đó.

Đề xuất về việc phối hợp giữa cơ quan quản lý báo chí và luật pháp để xử lý các vi phạm quyền tác nghiệp của nhà báo, luật sư Lê Hồng Hiển khẳng định: 'Theo quy định pháp luật, cơ quan báo chí cũng là đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận và chuyển đơn tố giác tội phạm. Cụ thể, khi nhận được tố giác liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan báo chí sẽ tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền như công an hoặc cơ quan điều tra để xử lý'.

Sau phiên thảo luận sôi nổi, các khách mời đều đồng tình rằng cần phải có khung pháp lý thiết thực, hiệu quả hơn đối với nhà báo khi tác nghiệp báo chí điều tra. Trong đó, 3 khách mời cũng đã đưa ra những đề xuất kịp thời về vấn đề này nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng nhà báo bị hành hung khi đi tác nghiệp.

Theo đó, nhà báo Trần Sơn Bách nhấn mạnh rằng, nhà báo cần tự bảo vệ bản thân mình trước tiên. Bởi nắm vững luật giúp cho nhà báo, phóng viên có thể áp dụng đúng và có góc nhìn tốt hơn khi đối mặt với nhiều tình huống.

Cùng với đó, phóng viên Nguyễn Đình Đoàn Bổng đưa ra giải pháp nhà báo có thể tìm đến lực lượng công an để hỗ trợ. Để an toàn, mỗi phóng viên cần tự tạo 'lớp màng bảo vệ', hiểu rõ mình đang tác động gì, ai có thể cản trở và mức độ áp lực từ các bên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ