Các đại biểu dự Hội thảo. ảnh gdtd.vn |
Đến dự có đông đảo các tác giả, dịch giả và những người quan tâm tới việc bảo vệ và sử dụng quyền sao chép đối với Tác phẩm phi hư cấu. Hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền tác giả về tác phẩm trong nhà trường chủ yếu dưới các dạng: In lậu các đầu sách có nhu cầu lớn ở bậc phổ thông, nối bản các đầu sách giáo khoa trong các trường ĐH và chuyên nghiệp, sao chép toàn bộ hay một phần theo nhu cầu của người sử dụng, thay đổi bìa sách thay đổi tên tác giả gốc bằng tên một tập thể tác giả khác mà nội dung không có gì thay đổi… Trắng trợn hơn, một số người sao chép nguyên si rồi lấy tên mình làm tác giả, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền tác giả đối với cả sách trong nước và nước ngoài.
Đứng trước thực trạng sao chép và thái độ rất khác nhau của tác giả và người sử dụng, đứng trước tình hình sách, tài liệu phi hư cấu trong nước hiện nay, thái độ của các tác giả và người sử dụng trong nhà trường phải như thế nào để vừa đảm bảo được quyền tác giả vừa chuyển tải, phổ biến kiến thức trong nhà trường.
Cuộc hội thảo này có ý nghĩa trao đổi kinh nghiệm và tìm giải pháp bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm sáng tạo phi hư cấu trong nhà trường. Làm sao vừa bảo vệ được quyền tác giả nhưng lại vừa tạo điều kiện nhân rộng kiến thức phù hợp điều kiện nhà trường để các tác phẩm sáng tạo phi hư cấu không những phục vụ nghiên cứu giảng dạy, học tập trong nhà trường mà không đưa đến tăng chi phí cho người sử dụng. Có thể nói, quản lý tập thể có hiệu quả các tác phẩm đã in ấn chính là một cách quan trọng thúc đẩy tinh thần sáng tạo và bảo vệ lợi ích vật chất của các nhà sáng tạo. Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cũng kêu gọi các chủ sở hữu quyền tác giả và chính phủ tham gia và ủng hộ các hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam.
Minh Châu