Trận mưa cuối tháng 5 vừa qua khiến nhiều vùng của Hà Nội bị ngập, làm nhiều người nhớ đến một dự án chống lụt gần trăm năm trước.
Hồ sơ kháng nghị chống lại công trình “Dự án cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ thành một con đê” bảo vệ Hà Nội trong mùa nước sông Hồng lên cao vẫn đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Có thể nói đó là một tài liệu vô cùng quý giá, luôn thu hút giới kiến trúc và các nhà nghiên cứu về Hà Nội.
Hủy dự án vì bảo vệ cảnh quan
Đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) ven hồ Tây cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. |
Dự án cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ thành một con đê” chính thức bị bãi bỏ vào ngày 26/5/1930, hồ sơ số 78.693 của phông RST vẫn nằm im lặng trong kho lưu trữ. Nhưng bụi thời gian vẫn không thể xóa mờ giá trị, mỗi khi qua đường Thanh Niên, người Hà Nội biết rằng trong quá khứ từng có một cuộc tranh biện cam go để bảo vệ con đường nổi tiếng này. TS ĐÀO THỊ DIẾN (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Theo hồ sơ tài liệu này, trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng TP Hà Nội vào tháng 9/1927 - Dự án về con đê ngăn cách giữa hồ Tây và Trúc Bạch nhằm khắc phục mối lo về việc vỡ đê sông Hồng đoạn từ Yên Phụ đến làng Nhật Tân. Dự án do Sở Đô thị nghiên cứu và đề xuất, được đem ra thảo luận và đa số các ủy viên chấp thuận.
Dự án được ghi vào danh mục các công trình lớn về đê điều của thành phố do Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương soạn thảo. Nếu dự án được thực hiện, việc đầu tiên là phải chặt toàn bộ cây cổ thụ ven hồ để đắp con đê cao.
Cuối năm 1929, khi dự án chuẩn bị thực hiện thì Thống sứ Bắc Kỳ nhận được bức thư của Nores - Chủ tịch Hội Địa lý Hà Nội khiếu nại về công trình. Trong thư, Hội Địa lý khẩn thiết yêu cầu hủy bỏ dự án trên, nhằm mục đích “cứu những di sản của cái đẹp” và “bảo vệ toàn vẹn những phong cảnh duyên dáng nhất của vùng ngoại ô Hà Nội”.
Quyền Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp lúc ấy là ông L. Finot cũng gửi cho Đốc lý Hà Nội công văn yêu cầu nghiên cứu. Ông cho rằng, việc đắp một con đê cao giữa hai hồ “chắc chắn sẽ phá hủy cảnh đẹp của Hà Nội” và “làm mất đi khung cảnh truyền thống của hai di tích lịch sử là đền Trấn Vũ và chùa Trấn Quốc”.
Rất nhanh chóng, 2 bức thư ấy được chuyển lên Phủ Toàn quyền Đông Dương. Ngày 21/12/1929, Công văn “Thượng khẩn” số 4244-C do Toàn quyền P. Pasquier ký được đưa tới Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, ra lệnh đình chỉ dự án.
Ngày 26/12/1929, Đốc lý Hà Nội là Delsalle đã phải gửi lên Thống sứ Công văn số 1752-A, tường trình lại toàn bộ dự án và quá trình điều tra về các ý kiến không tán thành dự án này.
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản dừng lại. Dự án dù đã bị đình chỉ, nhưng việc nghiên cứu đưa ra giải pháp chống lụt mới cho Hà Nội khiến các kháng nghị chống lại dự án được đẩy lên một bước cao hơn.
Bức thư kháng nghị thuyết phục
Bản đồ tỷ lệ 1/25.000 con đê dự định xây ngăn cách hồ Tây và hồ Trúc Bạch trong hồ sơ số 78.693 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Trở lại với con đường ngăn cách hồ Tây và hồ Trúc Bạch hiện nay, các tư liệu đều chứng minh hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây. Thời xưa sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp đê ngăn góc này lại để đánh cá và sau là nuôi cá.
Sau đó, chúa Trịnh cho đắp con đê rộng ra, và gọi là đê Cố Ngự (nghĩa là giữ vững). Con đê này cũng có vai trò như đường giao thông. Sau này, đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư, chính là đường Thanh Niên hiện nay.
Đầu năm 1930, Toàn quyền Đông Dương nhận một bức thư kháng nghị dài 9 trang với 17 chữ ký, trong đó có chữ ký của một ủy viên người Việt tên là Lê Nguyễn. Sức thuyết phục của lá thư này ở chỗ, phân tích những điểm bất hợp lý của dự án cả về phương diện kỹ thuật và mỹ thuật.
Bức thư phân tích nâng độ cao của đường Trúc Bạch lên 2,5m và phải sửa lại hướng của con đường đó, nối nó với kè và đê. Thế nhưng, các công trình đê điều do ngân sách liên bang chịu trách nhiệm.
Vì vậy, việc chống lụt cho thành phố ước tính khoảng hơn 50.000 đồng Đông Dương sẽ không do ngân sách của thành phố bảo đảm.
“Đấy là chúng tôi còn chưa nói đến sự bất cập của công trình khi người ta đổ đất xuống lòng hồ còn chưa biết rõ độ sâu, và vì con đường cũ nếu bị bỏ đi, những đống đất có thể gây nên những điều bất ngờ.
Vì vậy, chúng tôi có quyền đòi hỏi cho sự an ninh cần thiết cho thành phố phải được bảo đảm bằng cách củng cố đê mà cơ quan có trách nhiệm phải bảo dưỡng, trước khi làm đảo lộn khu vực nội thành trong nay mai”, bức thư viết.
Đề cập tới những bất hợp lý về phương diện mỹ thuật của dự án, lá thư còn viết: “Con đường Yên Phụ tạo ra trong thành phố Hà Nội xinh đẹp một phong cảnh đô thị tuyệt vời nhất, dễ chịu nhất, đặc biệt nhất.
Dải ruy băng này chạy dài, có cây cối bao bọc xung quanh, giữa hai tấm gương lớn của hai hồ nước; ánh sáng phản chiếu lung linh, nhất là lúc hoàng hôn, gió thổi mát rượi ngay cả lúc trời nóng nực.
Ở hai đầu đường đã làm xúc động không chỉ các nghệ sĩ và các nhà khảo cổ, mà cả những người hâm mộ cái đẹp và các di tích lịch sử. Tất cả những người sống ở Hà Nội, người Pháp và người An-nam, đều biết thưởng thức và ngắm cảnh đẹp nên thơ thành phố của họ. Chúng tôi không muốn có một bằng chứng nào khác ngoài sự tấp nập của dân chúng trên con đường… thường xuyên lui tới nhất của Hà Nội”.
Bức thư nêu rõ: “Sửa lại con đường chính thành một con đường thẳng; nâng cao chiều nghiêng lên độ 2,5m, không những phá tỷ lệ của không gian hiện tại và làm thay đổi phong cảnh một cách tai hại… đưa tới một nghịch cảnh là một đống đất kếch xù đắp thẳng và rất cao trên mặt nước”.
Không được phạm sai lầm
Cổng vào đền Quán Thánh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hồ Tây sát mép đền. |
Từ việc phân tích sự bất hợp lý về phương diện mỹ thuật của dự án công trình cải tạo đường Trúc Bạch thành một con đê, các tác giả của lá thư này đã lên tiếng kêu gọi trách nhiệm của Hội đồng thành phố:
“…Không thể quên được rằng phong cảnh nên thơ của một thành phố chính là nguồn của cải quý báu, và ngay trong chương trình của Hội đồng cũng có ghi một điều là phải bảo vệ những cảnh đẹp của Hà Nội, chống lại những sự phá hoại luôn luôn xảy ra và không ngừng tái diễn, không được phạm vào những sai lầm và những phá hoại vô ích. Chúng tôi vô cùng tiếc và không thể nào quên việc phá thành cổ với những cổng thành tuyệt đẹp.
Người ta nói với chúng tôi: Vậy là các ông thích cho Hà Nội bị lụt? Chúng tôi không chấp nhận kiểu tranh luận như thế. Chúng tôi mong muốn Hà Nội được bảo vệ một cách hữu hiệu, và chúng tôi không muốn rằng vì sự bảo vệ này mà một trong những cảnh đẹp của đô thị quyến rũ nhất của chúng ta bị tàn phá.
Vả lại, chúng tôi đã nói rằng việc gia cố đê Yên Phụ phải được đặt lên hàng đầu. Hãy can thiệp một cách cấp bách nhất để ngân sách dành cho việc xây con đê Trúc Bạch không được sử dụng vào mục đích của nó, mà được sử dụng vào một mục đích khác. Ngân sách này phải được sử dụng vào việc bảo vệ Hà Nội. Điều đó, như chúng tôi đã nói, việc đầu tiên phải làm là củng cố đê Yên Phụ”.
Tưởng chừng như bị chìm trong quên lãng, vì sau lá thư ngày 15/1/1930 cho đến cuối tháng 2/1930 không có văn bản nào về chủ đề “con đường Hồ Tây” trong hồ sơ. Tuy nhiên, hướng giải quyết được nhìn thấy rõ từ trước đó qua các công văn do chính Thống sứ Bắc Kỳ René Robin ký.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thống sứ, dự án “Cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ thành một con đê” đã chính thức bị bãi bỏ. Nó được công bố trong phiên họp thường kỳ của Hà Nội hồi 21 giờ ngày 26/5/1930. Tại phiên họp, Đốc lý Hà Nội là Tholance đã đọc quyết định của Hội đồng thành phố về việc thay dự án xây đê Trúc Bạch bằng dự án lấp vùng trũng Tứ Châu nhằm bảo vệ Hà Nội chống lại nạn lụt.
Cho đến nay đã gần 100 năm trôi qua, nhưng ít ai biết về cuộc tranh luận lâu dài, bền bỉ lại vô cùng sắc bén của giới khoa học và những người yêu Hà Nội xưa.