Vừa qua, tại khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân, Tây Hồ) đã bất ngờ xuất hiện hàng chục công nhân đến tiến hành tháo dỡ những chiếc du thuyền, nhà nổi cuối cùng còn sót lại tại khu vực này.
Hàng chục tàu thuyền đang neo đậu trên mặt hồ Tây đều trong tình trạng hoen gỉ, cũ nát, khiến cho cảnh quan và môi trường khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng. Do đã bị bỏ hoang suốt nhiều năm, những chiếc du thuyền nay đã xuống cấp nghiêm trọng trở thành những đống sắt thép khổng lồ: một số thuyền bị bục đáy, nước tràn vào khiến tàu chìm dần, bề mặt tàu hoen gỉ gây mất mỹ quan và có nguy cơ cao làm ô nhiễm lòng hồ. Chính vì vậy, một số chủ nhà hàng, chủ du thuyền chia sẻ đã quyết định tiến hành tháo dỡ để xử lý và bán đồng nát. Tuy chi phí tháo dỡ tốn khá nhiều tiền nhưng các chủ tàu cũng không còn cách nào khác.
Được biết, những chiếc du thuyền này từng có giá trị tiền tỷ, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi nhộn nhịp tại Hà Nội. Từ năm 2017, sau khi UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định dừng hoạt động kinh doanh đối với các du thuyền kinh doanh dịch vụ hoạt động trên hồ Tây do hoạt động kinh doanh tại khu vực này đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, khu vực Đầm Bảy nằm sát phố Nhật Chiêu (phường Nhật Tân, Tây Hồ) đã trở thành nơi tập kết những xác thuyền nổi bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Ngoài một số nhà thuyền đã được tháo dỡ, di dời thì hiện vẫn còn khoảng chục chiếc thuyền cỡ lớn trong tình trạng hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng vẫn neo đậu tại đây và dường như bị rơi vào quên lãng.
Rất nhiều người dân sống gần khu vực chia sẻ, họ mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng lên phương án loại bỏ và di dời hoàn toàn “nghĩa địa du thuyền” này, trả lại cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho Hồ Tây.
Theo phân cấp, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang trực tiếp quản lý các du thuyền này. Mới đây, vào tháng 4/2021, UBND quận Tây Hồ đã có văn bản kiến nghị liên quan đến việc phát triển du thuyền trên mặt Hồ Tây, theo đó kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm hoàn thiện phương án kinh doanh trên Hồ Tây theo chỉ đạo của UBND thành phố trước đó như: cho phép tối đa 2 tàu hoạt động với hình thức phục vụ giải khát, điểm tâm nhẹ, xây dựng bến thủy nội địa phù hợp với quy hoạch đô thị của khu vực, song song với việc đảm bảo cảnh quan và phát triển du lịch tại Hồ Tây.