Bảo vệ danh dự, nhân phẩm và an toàn cho giáo viên

GD&TĐ - Thời gian qua, ở một số tỉnh xảy ra việc phụ huynh học sinh, học sinh và các đối tượng bên ngoài xã hội vào trường học có hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí hành hung gây thương tích cho các thầy, cô giáo.

Bảo vệ danh dự, nhân phẩm và an toàn cho giáo viên
Đây là những hành động vi phạm pháp luật, trái với đạo lý "Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc ta, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động xấu đến môi trường giáo dục, cần phải lên án mạnh mẽ và có biện pháp ngăn chặn. Toàn ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình hiện nay có 20.767 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm và an toàn cho giáo viên luôn được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm.
Đồng chí Bùi Đức Ngọc, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh thẳng thắn: Tuy trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng thông qua các vụ việc đã xảy ra ở các tỉnh cho thấy, ở mức độ khác nhau cũng có nguyên nhân từ các thầy giáo, cô giáo và nhà trường.
Một số thầy giáo, cô giáo thiếu kiềm chế, chưa có kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Việc xử phạt học sinh vượt quá khuôn khổ quy định của ngành và thiếu tính giáo dục. Cá biệt có thầy, cô giáo có hành vi xúc phạm danh dự và thân thể học sinh.
Một số nhà trường chưa có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh, để người bên ngoài dễ dàng vào trường học. Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường chưa có biện pháp phù hợp để bảo vệ an toàn cho giáo viên; khi có sự việc xảy ra không kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng và thông tin với công đoàn cấp trên để hỗ trợ, phối hợp giải quyết.
Trước tình hình này, để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, ngày 30/3 vừa qua, Công đoàn giáo dục Hòa Bình đã ban hành Văn bản số 34 về việc tăng cường biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm và an toàn cho giáo viên.
Công đoàn ngành yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác quản lý giáo viên, xây dựng quy tắc ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp, học sinh và gia đình học sinh sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Quan tâm tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng kỹ năng ứng xử sư phạm, kỹ năng quản lý học sinh cho giáo viên trong trường.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giáo viên đánh mắng hoặc xử phạt học sinh trái với quy định của ngành. Các thầy, cô giáo phải có lòng thương yêu học sinh, xây dựng tình cảm thầy – trò thân thiết, gắn bó, phù hợp với đạo lý và truyền thống.
Với quan điểm để bảo vệ danh dự, nhân phẩm và an toàn cho giáo viên, trước tiên giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng sư phạm tốt để bảo vệ mình.
Thời gian qua, các nhà trường, địa phương, ngành tổ chức nhiều cuộc thi: giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc THCS và THPT, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi… Tháng 1/2018, lần đầu tiên Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc THPT với sự tham gia của 34 thí sinh.
Trong các cuộc thi này đều có nội dung: xử lý tình huống sư phạm. Đây là cơ hội tốt để đội ngũ giáo viên được học tập, trau dồi kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.
Ngoài ra, để bảo vệ danh dự, nhân phẩm và an toàn cho giáo viên trong bối cảnh xã hội hiện nay, các nhà trường cần kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học; quy định thời gian, địa điểm, cách thức đại diện gia đình học sinh gặp gỡ giáo viên khi có việc cần trao đổi, không để tình trạng người nhà học sinh vào lớp học gặp trực tiếp giáo viên.
Khi có tình huống phức tạp xảy ra, Ban giám hiệu và BCH Công đoàn phải trực tiếp có mặt cùng giáo viên để giải thích, thuyết phục và kịp thời ngăn chặn những hành vi quá khích của phụ huynh, học sinh và đối tượng khác.
Theo baohoabinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Anh xích lô tên Tiến ở phố cổ Hà Nội giúp tác giả Nguyễn Vân Hậu (ngồi trên xich lô) tìm lại ký ức năm xưa. Ảnh: NVCC.

Thức dậy tình yêu Hà Nội

GD&TĐ - 'Hà Nội & Tôi' là cuộc thi do Tạp chí Người Hà Nội tổ chức, mừng 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).