Bảo vệ con trai khỏi xâm hại

GD&TĐ - Thời gian gần đây, một số trường học đã chú trọng hơn tới giáo dục kĩ năng phòng ngừa bị xâm hại cho trẻ trai – điều trước đây bị coi là lạ lẫm. Phụ huynh cũng là một kênh quan trọng giáo dục kiến thức này cho trẻ để phòng ngừa những hậu quả nặng nề.  

Bảo vệ con trai khỏi xâm hại

Khi “trò đùa” chính là xâm hại

Nghe tiếng bác Khánh rổn rảng ngoài thềm, thằng cu Phong đang mê mải chơi lego ngoài phòng khách vội vàng cầm con rô bốt lắp dở chạy tót lên gác. Nó ở lì trong phòng không chịu xuống mặc cho bố gọi ời ời xuống chơi với bác đồng nghiệp cùng cơ quan bố. Cầm món quà của bác Khánh đi lên, bố nó cáu kỉnh quát giục con xuống thì bị mẹ nó chặn lại ở chiếu nghỉ cầu thang. Chị Liên Hoa (ngõ Trung Phụng – Khâm Thiên - Hà Nội) lắc đầu giải thích với chồng việc thằng cu Phong trốn “tiếp khách”.

Lúc rót trà mời bạn chồng, chị tế nhị giải thích: “Cu Phong bắt đầu có ý thức về giới tính rồi anh ạ. Nó chạy trốn bác Khánh hôm nay vì nó sợ mỗi lần bác ôm cháu bác lại tiện tay sờ “quả ớt” của nó đấy bác ạ. Bác cưng chiều cháu nhưng vô tình tạo thói quen xấu xâm hại cháu ạ”.

Biết là nói thẳng sẽ làm mất lòng người đồng nghiệp của chồng nhưng chị Hoa không thể im lặng nữa. Lần nào đến chơi nhà chị, anh Khánh cũng vồ vập, ôm chặt thằng Phong rồi tiện tay sờ vào quần cháu cười đùa “xem thằng cu của bác đã lớn đến đâu rồi nào” khiến thằng bé giãy giụa vùng vằng, mặt mày nhăn nhó. Nó nói với mẹ về nỗi sợ mỗi lần gặp bác Khánh và chị Hoa đã nhắc chồng góp ý việc này với bạn nhưng anh cứ ậm ờ cho qua. Hôm nay thằng bé 7 tuổi phản ứng ra mặt bằng sự lảng tránh, chạy trốn.

Trong thực tế, không hiếm người lớn, đặc biệt là những người thân trong gia đình đùa quá lố khi sờ mông, cắn vào má hoặc “nghịch” bộ phận sinh dục của bé trai. Ai cũng nói là do “yêu cháu”, nhìn cháu đáng yêu không đừng được. Nhưng thực chất đây là hình thức xâm hại một cách vô tình. Trẻ khi bị xâm hại dưới hình thức như vậy vừa xấu hổ, thậm chí có thể đau đớn nhưng thường không dám phản đối. Chưa kể những hậu quả tai hại về sau liên quan đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.

Câu chuyện cậu bé trai lớn lộc ngộc bị người giúp việc dở mọi chiêu trò khêu gợi và xâm hại tình dục khi được chia sẻ đã khiến nhiều người bàng hoàng. Ban đầu, đứa trẻ mới lớn tò mò làm theo nhưng rồi nó thấy ghê sợ và tìm mọi cách né tránh, phải gọi đến đường dây nóng tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH để kêu cứu.

Dạy trẻ cách tự phòng vệ

Theo các nghiên cứu cho thấy, hầu hết nghi can phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, là những người gần gũi nạn nhân như: Người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ, anh chị em trong nhà… Vì vậy, dạy con các kỹ năng phòng chống xâm hại và dạy con cách “không im lặng” rất quan trọng.

Cha mẹ nên dạy trẻ biết những vùng riêng tư không thể cho người khác động vào trên cơ thể. Dạy trẻ từ chối các hành động mà trẻ thấy khó chịu, sờ mó vùng kín, hay đưa “vật lạ” vào miệng (như trường hợp một bảo vệ trường học bịt mắt và lừa học sinh ngậm “vật lạ” mới đây). Cha mẹ cũng nên dạy trẻ biết tỏ thái độ từ chối lịch sự nhưng cương quyết khi có bất cứ ai làm điều gì gây khó chịu hay nguy hiểm cho trẻ. Đặc biệt khi gặp người lạ tiếp xúc và ép buộc trẻ biết kêu la thật to hô hoán kêu gọi sự giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng không muốn.

Mấy tuần nay, khi báo chí, mạng xã hội đưa nhiều tin tức phản ánh, cảnh báo tình trạng lạm dụng tình dục, xâm hại trẻ em, chị Kim (Hào Nam - Hà Nội) lo lắng không yên. Thay vì đọc sách cho con, chị tham khảo các lời khuyên của chuyên giáo dục, rèn dạy đứa con trai 7 tuổi và đứa con gái 4 tuổi của mình “Luật bàn tay - 5 vòng tròn giao tiếp” để trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại cho các con.

Hai đứa trẻ được mẹ dạy “không phải lúc nào cũng nghe lời người lớn” và “ai là người có thể tin tưởng và được phép động chạm thân mật”… Ngoài bố mẹ, nếu là bác sĩ, y tá (phải mặc y phục) khi thăm khám bệnh cho bé cũng phải giải thích rõ lý do, thăm khám bộ phận nào, vì sao….

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Tuyết Anh - Trung tâm Tư vấn tình cảm Linh Tâm: Hơn ai hết cha mẹ phải là người kiên quyết (tỏ thái độ, bằng cả lời nói và hành động) thể hiện sự không chấp nhận khi người thân hoặc người quen có những hành vi động chạm, sàm sỡ vào “chỗ riêng tư” của con. Chấp nhận cả sự tự ái, mất lòng của người thân, người quen để buộc mọi người phải biết tôn trọng con mình và ngăn ngừa được sự hình thành thói quen dễ dãi trong giao tiếp cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ