Cán bộ yếu kém sợ trách nhiệm đã đành một lẽ, song đáng lo ngại là có những cán bộ năng lực tốt, chuyên môn tốt cũng sợ, không “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”.
Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đã được phân tích và đề cập nhiều trong thời gian qua. Thực tế, việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại do một số chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa hoàn thiện.
Nhiều quy định thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây sai sót hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi.
Điều này khiến cán bộ chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm.
Trong bối cảnh như vậy lại chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.
Thực tiễn của hơn 35 năm đổi mới và hội nhập cho thấy, cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” có vai trò quan trọng không chỉ với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Và để thực hiện thành công đường lối đổi mới cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, quyết tâm đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cũng vì như vậy, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 nêu rõ chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Thể chế hóa chủ trương này, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Dù đây là nhiệm vụ không dễ dàng, Bộ Nội vụ bước đầu đã đưa ra một số đề xuất đáng chú ý.
Theo đó, khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.
Đặc biệt, dự thảo Nghị định đề xuất 7 trường hợp cán bộ được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện các đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không đạt, hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại.
Việc ban hành Nghị định này là cần thiết, song vẫn cần thêm các giải pháp quan trọng khác mới thực sự khuyến khích và bảo vệ được những cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Nhìn vào những các vụ án liên quan đến cán bộ đã bị đưa ra xét xử hay bị kỷ luật, không khó để nhận ra những chỗ còn gút mắc của luật pháp. Việc nhiều cán bộ bị truy tố với tội “cố ý làm trái…” và nay là “vi phạm quy định…” cũng vẫn là mối đe dọa rất thực với những lãnh đạo có tư tưởng và hành động đột phá, bởi đổi mới và sáng tạo có nghĩa là làm khác với khuôn khổ đã được định sẵn và đó cũng là “vi phạm quy định…”.
Bởi lẽ đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định trong từng lĩnh vực để vừa bịt lỗ hổng quản lý, vừa tạo ra sự thống nhất, tường minh và không thể diễn giải khác của hệ thống pháp luật để cán bộ yên tâm khi thực thi nhiệm vụ và sáng tạo, đột phá.