Bảo vật Kim Cương tượng thời Lý trong chùa Đọi Sơn

GD&TĐ - Được tạc bằng sa thạch nguyên khối với dáng võ quan dũng mãnh, các pho tượng Kim Cương ở chùa Đọi Sơn cho thấy tinh thần võ học rạng rỡ thời nhà Lý.

Chùa Đọi Sơn từng là đại danh lam kiêm hành cung thời Lý
Chùa Đọi Sơn từng là đại danh lam kiêm hành cung thời Lý

Chùa Đọi Sơn còn có tên gọi khác là Long Đọi Sơn nằm trên đỉnh núi Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam). Nơi đây vốn là đại danh lam kiêm hành cung thời Lý. Chùa nằm trên thế đất Cửu Long, bởi hình thế núi Đọi trông xa giống như một con rồng đất nằm phục giữa vùng đồng bằng chiêm trũng, đầu nhô cao hướng về phía Thăng Long. 

Cổ tự trên thế đất rồng phục

Chùa Đọi Sơn không chỉ liên quan tới tích “kim ngân điền” và lễ hội Tịch điền nổi tiếng trong lịch sử nhà vua đi cày ruộng. Nơi đây còn được ví như kho báu khảo cổ gắn liền với thời kỳ thịnh trị triều Lý.

Trong đợt khai quật cách đây hơn chục năm, giới khảo cổ tìm được một nền móng tháp ngay phía sau thượng điện chùa. Đây có thể xem là bằng chứng xác thực về cây tháp cao ngàn trượng đẹp lộng lẫy như đã chép trong văn bia.

“Tháp xây mười ba tầng chọc trời, mở bốn mươi cửa hóng gió. Vách chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm… tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm.

Chính giữa đặt tượng Như Lai, sân thềm có bậc lang vũ 2 bên. Rồi bên tả chùa dựng cung tứ giác, bên hữu chùa dựng nhà khám nhọn vuông, trong đặt tân đầu hòa thượng”.

Cho đến nay, có nhiều cách lý giải về tên Đọi Sơn, nhưng nhiều người đồng tình cho rằng, bởi hình thế núi trông giống hình dạng cái bát úp (bát còn gọi là đọi). Chùa Đọi Sơn tựa lưng vào núi Ðiệp với ba dòng sông uốn khúc bao quanh.

Từ xa xưa, tín ngưỡng dân gian đã coi Đọi Sơn là trái “núi thiêng”. Thuyết phong thủy nói rằng nơi đây đất phát nghiệp bá vương: “Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương, lưu truyền vạn đại”.

Chùa Đọi Sơn là một trong số ít chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý giá trị như: Tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện, pho tượng Kim Cương bằng đá, 4 pho tượng hình người có cánh, bia Sùng Thiện Diên Linh trên bệ đá chạm bốn con rồng lớn uốn khúc. 

Thân mặc kim giáp, đầu đội kim khôi

2 pho tượng Kim Cương điêu khắc bằng sa thạch thời Lý tại chùa Đọi Sơn.

2 pho tượng Kim Cương điêu khắc bằng sa thạch thời Lý tại chùa Đọi Sơn.

Trong số các hiện vật quý giá mà chùa Đọi Sơn đang lưu giữ, Kim Cương tượng được giới nghiên cứu chú ý hơn cả. Những bức tượng này khoác lên mình trang phục giống như võ tướng oai hùng “thân mặc kim giáp, đầu đội kim khôi”. Kim Cương tượng không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ Chánh pháp, mà còn minh chứng cho sự hoàn mỹ về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý.

Tương truyền từ xa xưa, Đức Phật từng phái bốn vị Đại Thanh văn, mười sáu vị La Hán đến để hộ trì Phật pháp. Bên cạnh họ còn có các vị Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương… nhân nghe Phật thuyết pháp mà nguyện hộ trì Phật pháp. Những vị này đều được gọi là thần Hộ pháp. Họ có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo hộ chúng sinh, độ đời, tiêu trừ mọi tai họa, hàng phục ma chướng.

Trong các ngôi chùa Việt thường không đầy đủ các loại tượng này, mà chỉ hay tồn tại bốn loại hệ tượng là: Vi Đà Bồ tát và Tiêu Diện Đại sĩ; Khuyến thiện - Trừng ác; Tứ Thiên Vương và Bát bộ Kim Cương. Tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn nằm trong hệ tượng Bát bộ Kim Cương hiếm gặp.

Kim Cương trong ý nghĩa nhà Phật nguyên là Kim Cương thủ - vị Bồ Tát có công bảo vệ Phật. Bất cứ ai tu thiền sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ, không bị ai phá hoại hoặc nhũng nhiễu, cho dù đó là người hay ma.

Vì là hiện thân Bồ tát nên các vị Kim Cương ở trong các kinh thư được mô tả không cầm binh khí mà mang kim cương chử. Thế nhưng, Bát bộ Kim Cương trong chùa Đọi Sơn được tạo tác không giống như kinh Phật. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác biệt đó là kết quả của quá trình giao thoa giữa Phật giáo với Lão giáo.

Bát bộ Kim Cương bài trí trong chùa như để bảo vệ Phật pháp, tín đồ và cơ sở thờ phụng. Tám vị thần có tên riêng là: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực.

Hiện nay, trong các ngôi chùa Việt thường đặt đăng đối hai bên tiền đường, mỗi bên 4 vị Kim Cương. Tuy nhiên, trong các ngôi chùa thời Lý, các vị Kim Cương được đặt hai bên cổng của các tòa tháp Phật, quay mặt về bốn phương tám hướng. Thông thường, trong tám vị sẽ có ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ dữ tợn, thể hiện hai chức năng khuyến thiện và trừng ác.

Theo tư liệu còn lại ở chùa Đọi Sơn, 2 pho tượng trong Bát bộ Kim Cương được đặt dưới chân tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tượng được tạc bằng sa thạch nguyên khối, với dáng võ quan dũng mãnh, đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, bó sát đầu, ôm lấy hai bên mang tai cho đến tận cằm. Giữa trán và chóp mũ nổi lên những đường gờ tạo thành hình vòng nối xuống những bông hoa cúc cách điệu hai bên mang tai.

Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn, vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải như hình chiếc khánh. Thân áo điểm những bông hoa cúc chạm nổi nhiều cánh. Chân đi hài cao cổ có mũi hơi cong.

Đại diện chùa Đọi Sơn cho rằng, Kim Cương tượng là một trong những cổ vật rất quý giá còn sót lại. Những nét hoa văn đặc trưng dưới triều đại nhà Lý thể hiện sự hưng vượng về nghệ thuật và chính trị, mang đậm nền văn hóa Đại Việt.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành. Y phục giáp trụ là áo nhẫn nhục, chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si”. Tháp Sùng Thiện Diên Linh của chùa Đọi Sơn không còn, nhưng các pho tượng Kim Cương vẫn được bảo tồn, dù không còn nguyên vẹn, một số bị mất đầu hoặc sứt mẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ