Bảo tồn giá trị ngôn ngữ dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một

GD&TĐ - Ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Do đó, việc bảo tồn ngôn ngữ DTTS là một trong những yêu cầu quan trọng và cấp thiết

Công trình nghiên cứu đã đem lại giá trị thực tiễn và góp phần Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một
Công trình nghiên cứu đã đem lại giá trị thực tiễn và góp phần Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một

Vừa qua, nhóm các nhà nghiên cứu Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu chính sách và giải pháp bảo tồn những ngôn ngữ DTTS có nguy cơ mai một” thuộc Cụm đề tài “Những vấn đề cấp bách để bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.”.

PGS.TS Dương Thu Hằng - Giảng viên khoa Ngữ văn, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: "Vấn đề bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trước nguy cơ mai một đã được đặt ra từ lâu và luôn được coi là vấn đề cấp thiết nhằm thống nhất ý chí, củng cố sức mạnh đoàn kết và thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Trong thời gian qua, để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đi thực tế điền dã ở 12 tỉnh, 33 huyện – nơi có nhiều ngôn ngữ của các dân tộc đang có nguy cơ mai một cao như Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…. Có thể khẳng định, tất cả 35 ngôn ngữ/tiếng DTTS được chúng tôi khảo sát đều nằm trong trạng thái mai một cao, trong đó phải kể đến 06 ngôn ngữ/ tiếng DTTS thuộc nhóm Ngôn ngữ cực kì mai một như: Cờ Lao Đỏ, La Chí Trắng, Phù Lá Đen, Tống, Tu Dí, Thủy) và 19 ngôn ngữ/ tiếng DTTS thuộc nhóm Ngôn ngữ mai một nghiêm trọng như: Arem, Rơ Măm, Brâu, Đan Lai, Khơ Mú, La Chí Đen, Nùng Vẻn, Poọng, Rục, Sách, Thái Mường, Mã Liềng, Mảng, Na Mẻo, La Hủ, Thu Lao, Xá Phó, Cống, Giáy. Bởi, theo lẽ tự nhiên, các ngôn ngữ có số lượng người nói ít, không có nhiều độ tuổi sử dụng thì nguy cơ mai một ngày càng nhanh."

Nhóm nghiên cứu đã "5 cùng" với bà con tại các bản làng xa xôi
Nhóm nghiên cứu đã "5 cùng" với bà con tại các bản làng xa xôi

Bằng sự đam mê, kiên trì không mệt mỏi, không quản ngại khó khăn, vượt qua những gian khó nhóm nghiên cứu đã “5 cùng” với bà con tại các bản làng xa xôi, khí hậu khắc nghiệt để nghiên cứu và hoàn thành bộ sản phẩm khoa học gồm: 01 Bộ tiêu chí nhận diện các ngôn ngữ DTTS có nguy cơ mai một với 7 tiêu chí và 18 chỉ báo; 01 danh sách những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay; 01 Bộ dữ liệu khảo sát điền dã được số hóa của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay...

Ngoài những sản phẩm là các bài báo được đăng trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, đề tài mang lại sản phẩm ứng dụng cho địa phương - Dân ca Pu Péo được nhóm nghiên cứu sưu tầm, phục dựng và hiệu đính. Đề tài đã nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho việc biên soạn Sách đỏ về các ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam. Nội dung này đáp ứng được khuyến nghị của UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người trên toàn thế giới.

Đây cũng là cơ hội quý để nhóm nghiên cứu thử nghiệm hội nhập quốc tế và tham gia thực hiện dự án Tư liệu hóa ngôn ngữ Pu Péo ở Việt Nam do Quỹ Endangered Language Fund (Mĩ) tài trợ.  Kết quả của dự án này sẽ là những tiền đề quan trọng để đội ngũ giảng viên cũng như cơ quan chủ trì tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu này trong tương lai.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0 phủ sóng rộng rãi trên các lĩnh vực, bộ dữ liệu số hóa 35 ngôn ngữ/tiếng DTTS ở cả dạng word và file âm thanh không chỉ có ý nghĩa bảo tồn ngôn ngữ DTTS mà còn là nguồn ngữ liệu quý cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa học và các nhà hoạch định chính sách liên quan đến vấn đề DTTS tham khảo, nghiên cứu.

Đề tài cũng đã đề xuất các hình thức, biện pháp cụ thể thuộc các nhóm giải pháp về ngôn ngữ học, nhóm giải pháp về giáo dục và nhóm giải pháp về kinh tế, văn hóa xã hội đối với từng mức độ mai một để bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ DTTS có nguy cơ mai một ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ