(GD&TĐ) - Thời gian qua, có nhiều câu chuyện liên quan đến di tích, di sản khiến dư luận quan tâm. Rất nhiều di tích, di sản khi chưa được xếp hạng, hoặc chưa “lên đời” thì rất bình yên; nhưng khi được khoác thêm danh hiệu, thì sự bình yên không còn nữa. Cơn bão du lịch, sự thương mại hóa, công tác “bảo tồn, trùng tu, tôn tạo cảnh quan...” không đúng cách, vô nguyên tắc đã làm phá hoại và vẩn đục di sản. Vấn đề bảo vệ di sản lại trở nên bức thiết.
Những ngôi nhà xây bằng đá ong ở làng cổ Đường Lâm |
Nỗi buồn di sản
Cách đây không lâu, di tích lịch sử – khảo cổ Đàn Xã Tắc (Hà Nội, được công nhận Di tích Quốc gia 2007) đang sắp bị cầu vượt đè lên và gây tranh cãi, trong đó có cả tính xác thực của di tích thì tiếp đó, Chùa Một Cột, ngôi chùa độc đáo nổi tiếng từ thời Lý, là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội, đang “rung chuông” kêu cứu về sự xuống cấp và dột nát, mà các nhà quản lý văn hóa vẫn thờ ơ.
Gần đây là câu chuyện hàng chục hộ dân ở làng cổ Đường Lâm (làng cổ đầu tiên được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia – 2005) viết đơn gửi chính quyền xin trả lại danh hiệu di tích bởi những bất cập trong các vấn đề xã hội, liên quan đến việc xây dựng công trình trong làng cổ... Điều trớ trêu trong câu chuyện ở Đường Lâm, là làng cổ này đang được xem xét để lập hồ sơ, cho “lên đời” ở tầm Di sản Thế giới!
Rất nhiều di tích, di sản đã bị phá hoại dưới danh nghĩa bảo tồn, trùng tu. Trước đây, việc ngôi chùa cổ Trăm Gian (xã Tiên Phương, Quốc Oai, Hà Nội) được xây dựng từ đời vua Lý Cao Tông (1185) bị phá bỏ, thay vào đó là một công trình hoàn toàn mới đã làm xôn xao dư luận. Nhiều người dân buồn và nuối tiếc về di tích lịch sử vô giá mà ông cha để lại. 104 gian bằng gỗ với những hoa văn trạm trổ đặc biệt quý hiếm đã thay thế hoàn toàn mới không còn "dấu tích" gì của nét văn hóa xưa.
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước
Khách quan mà nói, công tác bảo tồn di sản là không dễ, mà rất khó; nhưng cũng không thể đổ lỗi cho khó. Hiện nay chúng ta đang “di sản hóa” mà không đi vào thực chất của vấn đề bảo tồn, đang lấy số lượng thay chất lượng, lấy những danh hiệu bề nổi thay cho giá trị cốt lõi. Những câu chuyện buồn về di sản có nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân ấy chính là cái tâm của con người trước di sản, trước lịch sử và quá khứ.
GS Đặng Văn Bài - Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: Bảo tồn di sản không đơn thuần là giữ nguyên trạng mà phải làm sao để người dân sống được với di sản, để di sản không bị mai một và người dân không bị thiệt….
Thạc sĩ Chu Thu Hường - Cán bộ Phòng Nghiên cứu bảo tồn di tích - chia sẻ: “Di tích sống trong sự chăm sóc của cộng đồng dân cư truyền thống, đó là điều kiện duy nhất và có thể hiện nay để gìn giữ chúng lâu dài. Đưa cộng đồng trở thành nguồn nhân lực hàng đầu bảo vệ di tích là vấn đề nên được quan tâm, tiến hành hiệu quả hơn nữa và đi liền với nó là nâng cao năng lực của cộng đồng đảm bảo họ có đủ hiểu biết để đảm nhiệm vai trò chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cũng nâng cao trách nhiệm trong cộng đồng. Thông qua đó, người dân thấy gắn bó và có trách nhiệm hơn với di tích, tài sản của chính họ. Huy động sức mạnh của cộng đồng là một các hiệu quả nhất.”
Theo bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - từ năm 2009 - 2010, Bộ VH,TT&DL đã có nhiều chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý, tu bổ, bảo tồn hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích. Nhiều di tích được trùng tu tôn tạo theo đúng Luật Di sản, tạo được cảnh quan môi trường sinh thái, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những biểu hiện vi phạm. Mô hình quản lý di tích bộc lộ nhiều bất cập, việc tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được sự đồng thuận giữa người quản lý di tích với các ban ngành... Nguyên nhân do nhận thức của cấp ủy và chính quyền, người chủ trì một số nơi còn chưa thấy hết ý nghĩa, giá trị của di tích, thái độ ứng xử, hành vi ứng xử với di tích chưa phù hợp. Việc kiểm tra đôn đốc của ngành Văn hóa chưa kịp thời, sự phối hợp giữa ngành Văn hóa với các cấp chính quyền chưa chặt chẽ, bộ máy quản lý di tích còn chồng chéo về mặt chức năng, phân cấp quản lý chưa rõ ràng mạch lạc…
Theo thống kê cả nước có trên 4 vạn di tích và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và xếp hạng, trong đó 10 di tích và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt, trên 3.000 di tích và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Tại nhiều địa phương đã xảy ra việc tôn tạo không đúng quy chuẩn, quy cách, dẫn đến mất dấu ấn di tích, mất tính lịch sử và do đó mất giá trị văn hóa, lịch sử. |
Lê Đăng