Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đêm 23 tháng 11 phóng 5 tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS vào vị trí tiểu đoàn S-400 gần khu dân cư Lotarevka ở tỉnh Kursk.
"Hệ thống phòng không Pantsir trực chiến đã bắn hạ ba tên lửa ATACMS, hai quả đạn còn lại đánh trúng mục tiêu, gây ra thương vong và khiến một đài radar của tổ hợp S-400 bị hư hại", cơ quan này cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm rằng lực lượng Ukraine hôm 25 tháng 11 phóng tiếp 8 tên lửa ATACMS vào căn cứ không quân Kursk-Vostochny ở tỉnh Kursk.
"Hệ thống S-400 và Pantsir trực chiến đã được hạ 7 quả đạn, một tên lửa đánh trúng mục tiêu. Hai quân nhân bị thương nhẹ, một số công trình cũng bị hư hại nhẹ", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.
Báo Mỹ cho rằng, vụ tập kích sân bay Kursk-Vostochny của Ukraine không gây thiệt hại đáng kể, do không quân Nga đã ngừng sử dụng địa điểm này và sơ tán máy bay từ lâu.
Khi bị tấn công, hệ thống S-400 Nga triển khai ở Lotarevka đang hoạt động ở chế độ đối đất và từng tấn công các mục tiêu cố định trên lãnh thổ Ukraine.
Các hệ thống radar cảnh giới của S-400 khi được kích hoạt ở chế độ đối đất sẽ hạn chế đáng kể năng lực phát hiện và đối phó mối đe dọa đang lao tới như tên lửa ATACMS.
Mặc dù vậy, ngay cả khi vận hành ở chế độ phòng không, S-400 cũng gặp nhiều thách thức trong nỗ lực đối phó tên lửa ATACMS.
Chuyên gia Boyko Nikolov từ trang quân sự Bulgarian Military cho rằng tên lửa ATACMS có tốc độ lớn và quỹ đạo bay thấp, hạn chế đáng kể thời gian phát hiện và nhận diện mục tiêu của radar.
"S-400 có năng lực tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, song giới hạn vật lý khiến radar hỏa lực chỉ có thể theo dõi một hướng tập kích nhất định trong giao chiến và cần thêm sự hỗ trợ từ mạng lưới radar cảnh giới.
Tổ hợp S-400 đơn lẻ sẽ không đủ thời gian phát hiện mọi mối đe dọa nếu đối mặt với đòn tấn công hiệp đồng từ nhiều hướng", Bolinov cho biết.
Dù có ý kiến trái chiều về năng lực của S-400, tờ Military Watch vẫn khẳng định hệ thống S-400 đã chứng minh khả năng bắn hạ tên lửa ATACMS với tỷ lệ thành công cao, điển hình là khi nó tham gia trận đánh đêm 25 tháng 11.
"Trong cuộc tập kích hôm 23 tháng 11, hệ thống S-400 đang được bảo dưỡng và sửa chữa, không ở trạng thái chiến đấu.
Dường như lực lượng Nga bị bất ngờ, có thể do Ukraine chưa từng tấn công kiểu này vào tỉnh Kursk và họ nghĩ rằng đối phương không biết hệ thống S-400 đang sửa chữa tại đây", Military Watch cho hay.
Theo báo Mỹ, phương Tây đã triển khai khí tài để giúp Ukraine xác định vị trí các hệ thống phòng không tầm xa của Nga như S-400 và S-300.
Không quân Mỹ hồi tháng 6 xác nhận đã điều UAV trinh sát tầm xa RQ-4A đến Biển Đen để do thám các trận địa phòng không Nga.
Tiêm kích F-35 Mỹ đồn trú tại Đức, cùng mạng lưới khổng lồ gồm 800 vệ tinh và lực lượng trên mặt đất của NATO cũng góp phần quan trọng giúp Ukraine thu thập thông tin tình báo về mạng lưới phòng không Nga.
Đây chính là những lý do giúp Ukraine phát hiện được trận địa phòng không Nga và có thể tấn công chính xác như vậy, báo Mỹ kết luận.