Bảo mẫu, người giúp việc tại Trung Quốc đang đổ xô học đại học để trau dồi kỹ năng làm việc, mở rộng cơ hội và mức lương. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết của người lao động ở nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Khi bảo mẫu là sinh viên
Chị Xu Yiyuan, 42 tuổi, quê tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã làm nghề chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và bà mẹ mới sinh ở Thượng Hải trong 15 năm. Thời gian gần đây, Xu bắt đầu tham gia chương trình học trực tuyến kết hợp trực tiếp để lấy bằng cử nhân chuyên ngành Quản lý hộ gia đình tại Đại học Mở Thượng Hải.
Từng là học sinh giỏi cấp 3 nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Xu quyết định không vào đại học. Trở lại Đại học Mở Thượng Hải là cách để Xu hiện thực hóa ước mơ đi học của mình.
“Dù trong bất cứ ngành nghề nào, nền tảng giáo dục tốt có thể giúp chúng ta mở rộng cơ hội tìm việc làm. Riêng trong ngành dịch vụ gia đình, yêu cầu chung của khách hàng đối với người giúp việc, đặc biệt là những người có chăm sóc trẻ em, ngày càng tăng”, chị Xu cho biết.
Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Gia đình Thượng Hải cho thấy 35% gia đình sống tại thành phố cần người phục vụ tại nhà vào năm 2015. Nhu cầu trên đã tăng lên 53% vào năm ngoái. Hiệp hội dự đoán quy mô của thị trường dịch vụ gia đình sẽ đạt 60 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.
Wang Shuxia - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Gia đình Trung Quốc cho biết dịch vụ giúp việc gia đình đã chứng kiến những bước phát triển mới về nhiều mặt trong những năm gần đây. Lý do là dân số già đi, phụ huynh ngày càng ưu tiên giáo dục tiên tiến cho con cái và mọi người mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dịch vụ quản lý gia đình không chỉ là dọn dẹp và nấu nướng mà đã trở thành một ngành đa dạng, gồm giáo dục gia đình, quản lý hộ gia đình, cung cấp dinh dưỡng, phát triển trí tuệ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sức sống của ngành này ngày càng nâng cao.
Sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành văn bản hỗ trợ phát triển ngành Quản lý hộ gia đình hồi năm 2019, Đại học Mở Thượng Hải là trường đại học đầu tiên mở chuyên ngành đào tạo lĩnh vực này. Chương trình học nhằm nâng cao chất lượng lẫn số lượng người lao động trong lĩnh vực quản lý hộ gia đình. Thượng Hải cũng là một trong những thành phố có tiêu chuẩn cao nhất Trung Quốc về dịch vụ dọn dẹp.
Trường tuyển sinh khoá đầu tiên vào năm 2021 với 95 người đăng ký theo học. Học phí cho 5 kỳ là 2.000 nhân dân tệ. Nhóm sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp vào tháng 7 vừa qua. Bà Lu Qi - Hiệu trưởng Trường Hành chính công thuộc Đại học Mở Thượng Hải cho biết: Hiện, khoảng 750 nghìn người làm việc trong ngành quản lý hộ gia đình ở Thượng Hải nhưng thị trường yêu cầu người lao động phải cung cấp dịch vụ chất lượng cao, nhất là trong vai trò quản lý và phát triển cho trẻ em và các gia đình người nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi không phải đào tạo sinh viên đại học trở thành bảo mẫu mà đào tạo bảo mẫu trở thành sinh viên đại học.
Là người phụ trách chương trình đào tạo, bà Yang Wanling - giảng viên Đại học Mở Thượng Hải cho biết, khoá học có 3 nhóm sinh viên. Hơn 50% là người làm thuê cho các gia đình, số còn lại là quản lý của các cơ quan dịch vụ dọn nhà và những người quan tâm đến chất lượng cuộc sống gia đình. Hầu hết sinh viên ở độ tuổi từ 40 – 45, trong đó, cứ 3 người thì 2 người tốt nghiệp phổ thông.
Chương trình Quản lý hộ gia đình tại Trung Quốc giúp nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. |
Nâng cao kiến thức
Chương trình học tập trung nhiều vào kiến thức thay vì thực hành. Ví dụ, họ được trau dồi kiến thức về quản lý dinh dưỡng và sức khoẻ để chế biến những món ăn phù hợp với từng đối tượng. Khoá học cũng chia kiến thức thành tổng quát, cơ bản và chuyên nghiệp.
Sinh viên là quản lý tại các cơ quan dịch vụ dọn nhà có thể chọn môn học về sự phát triển của khoa học dịch vụ hiện đại, hoạt động của doanh nghiệp quản lý gia đình và nguồn nhân lực.
Sinh viên là người giúp việc sẽ tham gia lớp học về quản lý sức khoẻ gia đình, thẩm mỹ gia đình, hướng dẫn tiêu dùng. Để tốt nghiệp, sinh viên cần hoàn thành hơn 70 giờ học trực tiếp lẫn trực tuyến, thi lý thuyết, thực hành và làm luận văn bảo vệ.
Trong quá trình giảng dạy, bà Yang nhận thấy sinh viên có tinh thần ham học hỏi, chủ động học tập, đôi khi giảng viên còn học hỏi từ sinh viên. Họ cùng nhau thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn trong công việc của mình.
“Giáo dục đại học giúp người học thay đổi cách suy nghĩ, điều này không thể đạt được qua giảng dạy ngắn hạn. Chỉ thông qua nghiên cứu học thuật có hệ thống và toàn diện, người học mới có thể phát triển cách tiếp cận mới để khám phá vấn đề, suy nghĩ về lý do và tìm kiếm giải pháp trong công việc hàng ngày. Những thay đổi đó có giá trị hơn các kỹ năng thủ công”, bà Yang nhận xét.
Với kinh nghiệm 15 năm làm quản gia, chị Zhu Chunnan, 47 tuổi, sống tại Thượng Hải, đã tốt nghiệp cử nhân chương trình Quản lý hộ gia đình vào mùa Hè này. Nâng cao sự tự tin là giá trị lớn nhất mà việc học mang lại cho Zhu.
Sinh ra tại tỉnh An Huy, Zhu từng cảm thấy tự ti nhưng sau khi học đại học, chị bắt đầu nhìn nhận bản thân và công việc dưới một góc nhìn khác. “Bây giờ tôi tin rằng mình đang được trả tiền cho sự chăm chỉ và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này. Tôi ngày càng ý thức mạnh mẽ rằng mình có địa vị ngang bằng với khách hàng của mình. Chương trình học còn giúp tôi tự tin hơn khi lựa chọn khách hàng thay vì chờ được lựa chọn”, chị Zhu nói.
Sự tự tin cũng giúp chị thể hiện bản thân tốt hơn và chia sẻ về công việc của mình. Hiện chị có thể trình bày về chế độ dinh dưỡng cho khách hàng, đóng góp ý kiến với khách hàng và được họ chấp nhận.
Ngoài ra những người sở hữu bằng cử nhân được trả lương cao hơn. Chị Yin Zizi, quản lý của Cơ quan dịch vụ gia đình Aijun Thượng Hải, cho biết, một bảo mẫu mới làm công việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể kiếm được hơn 10 nghìn nhân dân tệ sau 3 – 6 tháng làm việc. Nhưng bảo mẫu có kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn và danh tiếng có thể kiếm ít nhất 20 nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.
Nhu cầu đào tạo lại kỹ năng cũng đang tăng cao ở Nhật Bản, quốc gia đối mặt với thách thức già hoá dân số. Trong số những người lao động quay lại trường học để nâng cao bằng cấp, phụ nữ đã có gia đình chiếm số lượng lớn.
Thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng nguồn nhân lực. |
Đi học để trở lại thị trường
Ở Nhật Bản, khoảng 70% phụ nữ đang đi làm nghỉ việc khi lập gia đình. Dù nhiều người nghỉ việc với hy vọng có thể trở lại công tác nhưng phần lớn sau đó sẽ ở nhà làm nội trợ, không thể quay lại môi trường làm việc toàn thời gian. Theo dữ liệu của chính phủ năm 2007, khoảng 2,45 triệu phụ nữ trong độ tuổi 25 – 65 mong muốn tìm một công việc toàn thời gian.
Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích phụ nữ quay trở lại lực lượng lao động. Trong đó, Đại học Phụ nữ Nhật Bản (JWU) đã khởi động dự án “Hệ thống Giáo dục – Việc làm định kỳ” thông qua hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Chương trình đào tạo kéo dài một năm, dành cho phụ nữ có bằng cử nhân và kinh nghiệm làm việc. Họ sẽ tham gia các khoá học để trau dồi kỹ năng làm việc như Tiếng Anh thương mại, Tin học văn phòng, Tin học nâng cao... Chương trình cũng tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp để sinh viên có thể tìm việc làm mới phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của họ.
Một bà nội trợ đang theo học chương trình tại JWU cho biết, quay trở lại làm việc toàn thời gian là điều khó khăn đối với phụ nữ đã có gia đình do họ không tìm được người trông trẻ. Một số phụ nữ thậm chí không thể đi học lại để trau dồi kỹ năng đáp ứng nhu cầu đổi mới của lực lượng lao động.
Khi trở lại trường học, chị cảm thấy may mắn vì được trau dồi kiến thức, nâng cao bằng cấp và trình độ chuyên môn để mở rộng cơ hội tìm việc làm. Từ đó, chị mong muốn mang lại giá trị hữu ích cho công ty và thị trường lao động.
Ở tuổi 42, nhân viên tư vấn Misuzu Mukae bắt đầu lo lắng về kỹ năng làm việc của mình so với xu thế của thời đại. Để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, chị Mukae đăng ký vào Trường Cao học về Thiết kế Dự án, Tokyo, Nhật Bản – một chương trình đào tạo sau đại học nhằm nâng cao tay nghề cho người đi làm.
Trường được thành lập tại Nhật Bản từ năm 2012 và cung cấp các lớp học vào buổi tối và thứ Bảy trong tuần giúp học viên làm việc toàn thời gian dễ dàng tiếp cận. Học viên sẽ học về các chủ đề cơ bản liên quan đến tiếp thị và khái niệm chuyên ngành trong năm học đầu tiên. Còn năm thứ hai, học viên sẽ thực hiện xây dựng kế hoạch kinh doanh riêng, làm luận văn thạc sĩ.
Sau khoảng 10 năm hoạt động, Trường Cao học về Thiết kế Dự án đã đào tạo gần 500 học viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nhân viên công ty, bác sĩ, cầu thủ bóng chày, quan chức chính quyền địa phương... Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã thành lập công ty riêng.
Nhiều phụ nữ Nhật Bản đi học để trau dồi kiến thức trước khi quay lại thị trường lao động. |
Về phía các trường đại học, mô hình giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời dành cho người lớn tuổi cũng được quan tâm và chú trọng. Là một trong 3 trường đại học tốt nhất Hàn Quốc, Đại học Yonsei đã thành lập Viện Giáo dục Thường xuyên cho tương lai từ năm 1994.
Đây là cơ sở giáo dục thường xuyên hàng đầu Hàn Quốc, đào tạo hơn 70 nghìn sinh viên tốt nghiệp trong hơn 20 năm qua. Hiện nhà trường tổ chức hơn 100 chương trình học dành cho người lao động, nhân viên nhà nước, doanh nhân... Các khoá học bao gồm Văn hóa Thế giới, Y học, Thời trang, Dịch vụ... Chương trình học được cập nhật thường xuyên theo những thay đổi của ngành nghề tại Hàn Quốc và thế giới.
Đại học Yonsei cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và trao học bổng khuyến khích mọi người đăng ký tham gia học tập. Thời gian và hình thức học tập cũng được sắp xếp linh hoạt nhằm đảm bảo sinh viên có thể vừa học vừa làm.
Nâng cao tay nghề là nhu cầu tất yếu ở các xã hội đang đứng trước nguy cơ già hóa dân số như Nhật Bản hay các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao như Trung Quốc. Dù với lý do nào, việc trau dồi bằng cấp cũng mở rộng cơ hội nghề nghiệp, mức lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay.