Bạo loạn trong lòng nước Pháp

GD&TĐ - Hơn 5 ngày qua, các cuộc bạo loạn đã nổ ra gần thủ đô Paris rồi lan ra cả nước Pháp sau khi cảnh sát bắn chết thiếu niên Nahel M, 17 tuổi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hơn 5 ngày qua, các cuộc bạo loạn đã nổ ra gần thủ đô Paris rồi lan ra cả nước Pháp sau khi cảnh sát bắn chết thiếu niên Nahel M, 17 tuổi, tại khu dân cư Nanterre, ngoại ô thủ đô ngày 27/6.

Mẹ của Nahel M là người gốc Algeria, một thuộc địa cũ của Pháp. Bà đã nuôi lớn Nahel ở một khu phố nghèo bên ngoài thủ đô.

Sau khi Nahel M bị bắn chết, khu phố nơi cậu sống là nơi đầu tiên tổ chức biểu tình. Các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước trước đám tang của Nahel vào ngày 1/7. Tại Lyon, những người biểu tình đốt xe hơi và các tòa nhà.

Ở Paris và các vùng lân cận như Lille, Clermont-Ferrand, các toà nhà công, đồn cảnh sát, trường học, cửa hàng... bị phá hoại, cướp bóc và thiêu rụi. Cả nước Pháp dường như đang “bốc cháy”.

Tương tự Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác, Pháp đã trải qua làn sóng phản đối về hành vi của cảnh sát, đặc biệt là hành vi chống lại người thiểu số. Năm 2005, bạo lực nổ ra ở vùng ngoại ô Clichy-sous-Bois và lan rộng khắp nước Pháp sau khi hai thiếu niên gốc Phi bị điện giật trong một trạm biến áp vì trốn cảnh sát. Tình trạng bất ổn đã làm rung chuyển nước Pháp trong ba tuần, buộc Tổng thống khi đó là Jacques Chirac, ban bố tình trạng khẩn cấp.

Cái chết của Nahel gợi lại những ký ức gần hai thập kỷ trước và dấy lên tranh cãi về tình trạng bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc có hệ thống trong các cơ quan thực thi pháp luật đối với người dân một số vùng ngoại ô nghèo bao quanh các thành phố lớn. Cuộc sống ở những vùng này bị tách biệt khỏi nhịp điệu phát triển xã hội, kéo theo đó là chất lượng nhà ở và giáo dục kém.

Đơn cử, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một đứa trẻ sinh ra và đi học trong khu dân cư thiếu thốn ở Pháp ít có cơ hội thoát khỏi đói nghèo so với hầu hết các quốc gia phát triển khác. Pháp vẫn là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục có khoảng cách giàu - nghèo lớn nhất trong các nước phát triển.

Vấn đề bất bình đẳng khiến nhiều thanh thiếu niên ở các vùng ngoại ô cảm thấy bị phân biệt và bỏ rơi. Hậu quả là nỗi bất mãn trong giới trẻ ở những nơi này đã tích tụ suốt hàng chục năm.

Dù vậy, lãnh đạo Pháp vẫn chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về cách giải quyết vấn đề bất bình đẳng khiến người dân ở các vùng ngoại ô thấy thất vọng. Cái chết của Nahel dưới tay cảnh sát giống như “giọt nước tràn ly” đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong họ.

Tuy nhiên, trong các cuộc bạo loạn khó kiểm soát trên đường phố, lỗi không chỉ thuộc về cơ quan thực thi pháp luật hay chính quyền địa phương. Vấn đề này cũng có nguồn gốc sâu xa từ tình trạng di cư không kiểm soát được tại Pháp.

Trong nhiều vụ bạo động, thủ phạm là con cháu thế hệ thứ ba và thứ tư của người di cư. Đây cũng là một trong những lý do mà Chính phủ Pháp muốn siết tình trạng nhập cư nhưng điều này chỉ làm tình trạng bất bình đẳng xã hội tăng cao hơn nữa.

Để giải quyết tình trạng bạo loạn, Chính phủ Pháp đã triển khai lực lượng cảnh sát tinh nhuệ, xe tăng bọc thép hay kiểm duyệt mạng xã hội nhưng đây chỉ là những phương án giải quyết tạm thời.

Còn những vấn đề sâu xa như phân biệt chủng tộc, sự chia rẽ giữa các tầng lớp không thể giải quyết một sớm một chiều. Giờ là lúc nước Pháp cần gắn kết hơn bao giờ hết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.