Bảo lãnh xe vi phạm giao thông: Cần tránh sự hiểu nhầm, bỏ lọt xe gian

Dự thảo về việc người vi phạm được bảo lãnh xe cần quy định chi tiết hơn để tránh sự hiểu nhầm, tránh bỏ lọt xe gian

Người dân kiến nghị người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia dù ít hay nhiều cũng không được bảo lãnh xe.
Người dân kiến nghị người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia dù ít hay nhiều cũng không được bảo lãnh xe.
Bộ Công an mới đưa ra Dự thảo Nghị định về việc người vi phạm đặt tiền bảo lãnh cho Cảnh sát giao thông để tự giữ và bảo quản phương tiện. Thông tin này nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân về tính linh hoạt, thuận tiện.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung chi tiết hơn để tránh sự hiểu nhầm, vừa đảm bảo tính răn đe của pháp luật. 

Dự thảo Nghị định lần 2 sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính quy định chi tiết trình tự, thủ tục đối với hình thức bảo lãnh bằng tiền để người vi phạm giao thông có thể mang phương tiện về tự bảo quản.

Dự thảo quy định cụ thể, trường hợp cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; Và tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.

Nhiều người dân tại TPHCM cho rằng, quy định này rất hợp lý vì tiết kiệm được rất nhiều chi phí quản lý về nhân sự, chi phí trông giữ xe mà người dân phải đóng khi lưu bãi. Cùng với đó, cũng sẽ tránh được trường hợp phương tiện hư hại, mất mát linh kiện phụ tùng, nhất là những kho bãi ngoài trời như thời gian qua.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc lập biên bản xử lý vi phạm và làm thủ tục bảo lãnh cần linh hoạt hơn. Anh Huỳnh Minh Thiện, người dân quận 8 đề xuất, sau khi lập biên bản, nên cho người vi phạm được đóng phạt tại chỗ, sau đó làm thủ tục xin được đặt tiền bảo lãnh xe để họ mang xe về có phương tiện đi lại. Khi hết hiệu lực chế tài vi phạm thì đơn vị chức năng có thể chuyển trả tiền bảo lãnh qua tài khoản, thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho người dân.

bao lanh xe vi pham giao thong: can tranh su hieu nham, bo lot xe gian hinh 2
Nên quy định thêm biện pháp, chế tài nghiêm khắc phục việc cố ýmang phương tiện vi phạm ra lưu thông. (ảnh minh họa)

Trong dự thảo lần này cũng có quy định 4 trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh, gồm: Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy. Một số người dân kiến nghị cần bổ sung đối với những trường hợp có sử dụng rượu bia, dù ít hay nhiều cũng không cho bảo lãnh đem phương tiện về nhà tự bảo quản, có như vậy mới tăng cường được tính răn đe...  

Anh Nguyễn Ngọc Thịnh (ở quận 2) kiến nghị: "Những lỗi say xỉn, người vi phạm không tự điều khiển xe được thì bắt buộc cảnh sát giao thông phải giữ xe của họ. Nếu để họ tiếp tục di chuyển thì sẽ gây ra tai nạn ảnh hưởng đến người xung quanh".

Trao đổi về vấn đề này, nhiều luật sư tại TPHCM cũng cho rằng, dự thảo cần bổ sung, làm rõ và quy định chi tiết hơn. Nội dung dự thảo nêu, trong khoảng thời gian bị xử phạt, người dân không được phép sử dụng phương tiện vi phạm để lưu hành thì cần thiết quy định thêm chế tài nghiêm khắc việc cố ý mang phương tiện này ra lưu thông. Ngoài ra, một vấn đề được người dân hết sức quan tâm đó là nộp tiền và trả lại tiền bảo lãnh còn dư.

Theo luật sư Lê Trúc Lâm, đoàn luật sư TPHCM, cần có một quy định rất rõ ràng về thời gian và nên áp dụng hình thức công nghệ chuyển khoản để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của người dân.

"Nên quy định chế tài áp dụng đối với những người quản lý số tiền này, nếu họ sử dụng trái mục đích, hoặc cầm giữ quá thời gian mà không trả lại cho người dân phần còn dư thì cũng phải bị kỷ luật, chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Lê Trúc Lâm nêu ý kiến.

Đối với trường hợp bị tạm giữ xe, theo quy định tại Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chỉ trường hợp giao thông ở mức độ nặng mới bị giữ xe. Những trường hợp nào buộc phải tạm giữ xe, trường hợp nào không được bảo lãnh rất cần các cơ quan chức năng quy định chi tiết hơn để tránh sự hiểu nhầm đồng thời đảm bảo tính răn đe đối với người vi phạm, tránh bỏ lọt xe gian, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khi lưu hành.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.