Bạo hành trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non: Hành vi không thể chấp nhận

GD&TĐ - Sự việc cháu bé bị bạo hành tại lớp mầm non độc lập Sao Việt (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) khiến dư luận bức xúc.

Cơ sở mầm non tư thục tại tỉnh Thái Bình bị dừng hoạt động vì có dấu hiệu bạo hành trẻ em.
Cơ sở mầm non tư thục tại tỉnh Thái Bình bị dừng hoạt động vì có dấu hiệu bạo hành trẻ em.

Cơ quan công an, các phòng ban chức năng của thành phố Thái Bình, phường Tiền Phong đang điều tra xác minh làm rõ vụ việc. Bộ GD&ĐT cũng nêu quan điểm xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Dừng hoạt động

Ngày 28/6, video ghi lại hình ảnh cháu bé khoảng 1 tuổi bị nhét giẻ vào miệng được tung lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Theo báo cáo giải trình của Phòng GD&ĐT thành phố Thái Bình do Trưởng phòng GD&ĐT Vũ Giang Lâm ký, cháu bé có trong đoạn video sinh năm 2020, được gửi tại lớp mầm non độc lập Sao Việt (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình). Lớp mầm non độc lập Sao Việt do bà Lê Thị Hương Giang là chủ lớp, được thành lập ngày 3/7/2020; hiện hợp đồng làm việc với 3 giáo viên.

Cũng trong ngày 29/6, UBND thành phố Thái Bình có văn bản số 1338/UBND-GDĐT, yêu cầu UBND phường Tiền Phong tạm đình chỉ hoạt động lớp mầm non độc lập Sao Việt. Cơ quan công an và các phòng ban chức năng của thành phố Thái Bình và phường Tiền Phong đang điều tra xác minh làm rõ vụ việc.

Liên quan đến sự việc này, bà Trần Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: Sở GD&ĐT Thái Bình thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Sở danh sách các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lâp được cấp phép thành lập và hoạt động (tính đến thời điểm tháng 9/2019).

Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động trái phép. Có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Hằng năm, Sở GD&ĐT đều có hướng dẫn thực hiện các nội dung công tác chuyên môn; trong đó có quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt tại nhóm lớp mầm non độc lập. Sau vụ việc này, ngoài các cuộc kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch, Sở GD&ĐT cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục; đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan để kiểm tra công tác này” - bà Trần Thị Huyền cho hay.

Trước vụ việc trên, PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Quan điểm của Bộ phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Do sự việc có nhiều tình tiết nên cần sự vào cuộc của cơ quan công an, xác minh sai phạm của từng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật, cho dù người đó có phải giáo viên hay không.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh cũng cho biết: Đây là hành vi đáng phê phán, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn cho trẻ tại các trường mầm non, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Trong các hoạt động nghiệp vụ của Bộ GD&ĐT, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý với các chuyên đề như hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non; tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cho GVMN.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh giáo viên có kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm một cách phù hợp và hiệu quả vẫn còn giáo viên thiếu kỹ năng giải quyết tình huống phù hợp hoặc lạm dụng uy quyền để trấn áp trẻ, dẫn đến những phản ứng ngược từ phía trẻ, gia đình và xã hội. Để ngăn chặn những tình huống xấu xảy ra, quan điểm của Bộ GD&ĐT là các địa phương cần từng bước bố trí đủ giáo viên theo quy định.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho giáo viên trong chăm sóc giáo dục trẻ cũng là cách nhằm giảm áp lực cho giáo viên. Trong mọi tình huống, nếu giáo viên có nghiệp vụ tốt sẽ không tạo áp lực trong công việc. Thêm nữa, để hạn chế tối đa sự việc này xảy ra, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Hành vi bạo hành trẻ sẽ bị xử phạt thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết: Tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

“Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;

c) Đối với 2 người trở lên.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ sớm vào cuộc xác minh làm rõ thông tin của cơ sở giáo dục này, làm rõ người phụ nữ đã hành hạ cháu bé. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi là của giáo viên và em bé bị nhét giẻ vào mồm, bị giữ tay là học sinh, giáo viên này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên, với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Với nạn nhân chưa đủ một tuổi được xác định không có khả năng tự vệ, bởi vậy nếu bị xử lý hình sự, đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 1 năm đến 3 năm tù.

“Có thể nói rằng, với cháu bé trên dưới một tuổi chưa có ý thức sợ hãi khi bị đe nẹt, không thể vì sợ mà cháu bé nghe lời. Bởi vậy, hành vi đánh đập, hành hạ cháu bé dưới một tuổi sẽ không có tác dụng giáo dục, ngược lại còn vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền được bảo vệ của trẻ em về tính mạng, sức khỏe. Hành vi này đáng lên án và gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội”. Nhấn mạnh điều này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Về mặt pháp lý, những sự việc như thế này có xử lý hình sự hay không sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người phụ nữ và nạn nhân có phải là mối quan hệ phụ thuộc hay không.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của hành vi. Hành vi đối xử tàn ác với trẻ em ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cháu bé như thế nào? Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về hành vi, tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra để xem xét xử lý hình sự hay xử phạt hành chính.

Trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự do cháu bé không bị tổn thương về tâm lý sức khỏe vẫn cần phải xử lý kỷ luật đối với giáo viên này có thể sẽ ở mức độ cao nhất là buộc thôi việc, đồng thời sẽ xử phạt hành chính về hành vi hành hạ người khác theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hoạt động quản lý các cơ sở GDMN đã được phân cấp rất rõ. Nếu cơ sở hay cá nhân thực hiện không đúng, người quản lý Nhà nước trực tiếp (đối với trường mầm non là chủ tịch UBND quận/huyện, đối với nhóm lớp độc lập tư thục là chủ tịch phường/xã) phải chịu trách nhiệm. Để chủ động ngăn chặn việc này, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị gửi các Sở GD&ĐT về việc bảo đảm an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Những quy định và phân cấp trách nhiệm có thể nói là đầy đủ và rõ ràng. Địa phương, nhà trường cần quán triệt tới cán bộ công chức về quyền của trẻ em và như thế nào là vi phạm quyền trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.