Bao giờ miễn học phí THCS?

GD&TĐ - Câu chuyện học phí đã và đang nóng trước thềm năm học mới...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nhiều địa phương, trường đại học, học viện thực hiện tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) và Chính phủ lại vừa có yêu cầu không tăng.

Một lần nữa, đề xuất miễn học phí THCS để chia sẻ gánh nặng tài chính với người dân, giảm tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học vì khó khăn, được nhắc lại trong nhiều cuộc trò chuyện, hội họp, diễn đàn.

Năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Từ thực tiễn thực hiện phổ cập THCS, năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình.

Một số tỉnh thành có điều kiện kinh tế sau đó mạnh dạn đề xuất, thậm chí thực hiện miễn học phí THCS. Như TPHCM từ năm 2018 đề xuất miễn học phí THCS, nhưng do vướng Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nên không tiến hành được.

Năm học 2020 - 2021, Hải Phòng là địa phương đầu tiên chủ động tháo bỏ cơ chế, thực hiện miễn 100% học phí cho học sinh mầm non và THCS, từ năm học 2021 - 2022 miễn 100% học phí cho học sinh THPT. Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào tháng 7/2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chính thức đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022 - 2023.

Tính đến cuối năm 2022 đã có hơn mười địa phương trên cả nước thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh năm học 2022 – 2023, trong đó có cấp THCS, từ 5 đến 9 tháng học. Có thể kể như Khánh Hoà, Bạc Liêu, Quảng Bình, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng… Đáng chú ý, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập, tư thục giai đoạn 2022 - 2025. Dự kiến ngân sách của tỉnh sẽ chi hơn 568 tỷ đồng cho việc miễn học phí trong giai đoạn này.

Hiện nay, mức thu học phí cấp THCS của nhiều tỉnh thành trong khoảng 60 nghìn đồng/học sinh/tháng với khu vực nội thành, 30 nghìn đồng/tháng với học sinh ngoại thành.

Nếu áp dụng mức học phí mới theo Nghị định 81 thì từ năm học 2022 - 2023 khung trần là 300 - 650 nghìn đồng (thành thị); 100 - 270 nghìn đồng (nông thôn); 50 - 170 nghìn đồng (miền núi, dân tộc thiểu số). Sau năm học 2022 - 2023 mức tăng không quá 7,5%/năm. Đối với các gia đình có thu nhập thấp, học phí THCS công lập theo Nghị định 81 là con số không nhỏ, có thể cản trở đường đến trường của nhiều học sinh.

Thực tế tại các tỉnh thành vừa qua cho thấy việc miễn học phí cho học sinh THCS không phải là việc quá khó. Học phí THCS cả nước thu mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Con số này, nếu chia bình quân cho 63 tỉnh, thành thì có nơi vài chục tỷ nhưng cũng có thành phố vài trăm tỷ/năm.

Đại diện nhiều địa phương cho biết nếu vén khéo trong phần tự cân đối và có sự hỗ trợ của Trung ương, học sinh THCS hoàn toàn có thể được trang bị tri thức phổ thông nền tảng miễn phí. Cái khó nhất hiện nay là những rào cản liên quan đến chủ trương, quy định, quy chế.

Cả nước vừa thoát ra khỏi đại dịch Covid-19 kéo dài tới hơn 2 năm và nay lại đối mặt với “bão giá” với mức lạm phát tăng cao. Miễn học phí THCS vào thời điểm này là món quà lớn cho dân sinh, tạo điều kiện cho học sinh khó khăn được đến trường.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh cả nước đang phổ cập THCS, hướng đến phổ cập THPT, miễn học phí THCS sẽ tác động tích cực vào quá trình phổ cập giáo dục trung học ở các địa phương, hướng tới hội nhập giáo dục thế giới. Vấn đề hiện nay là xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp để việc miễn học phí THCS được nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ