Hè với các em là đi chăn trâu, làm cỏ thuê trên rẫy mì hay bên bàn tách vỏ hạt điều. Mơ ước về ngày hè được nghỉ ngơi, vui chơi với các em rất xa vời.
Những lao động nhí
Nguyễn Thị Hồng Hạnh 10 tuổi, học lớp 5A3, trường Tiểu học Minh Hưng mang chiếc tạp dề dính đầy nhựa điều, ngồi lọt thỏm trong dãy người lao động tại một xưởng chẻ hạt điều tư nhân ở xã Minh Hưng (Bù Đăng). Hồng 15 tuổi, học lớp 9C, trường THCS Minh Hưng là chị gái của Hạnh và mẹ cũng chẻ điều thuê tại đây. “Ngày thường, đi học về em và chị lại ra xưởng chẻ điều cùng mẹ.
Mùa hè thì tụi em làm cả ngày. Mỗi ngày em chẻ được khoảng 9kg hạt điều. Mỗi ký được trả từ 6 đến 9 ngàn đồng, tùy loại”, Hạnh chia sẻ. Ngoài chị em Hồng, Hạnh, trong xưởng còn khá nhiều lao động ở tuổi đi học. Hầu hết các em đều học tại trường Tiểu học và THCS Minh Hưng.
Tại một xưởng chẻ điều tư nhân ở xã Bình Minh, khu xưởng lợp mái tôn nóng hừng hực, khoảng 10 học sinh trường THCS Bình Minh đang cặm cụi tách vỏ hạt điều. Không có tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng máy dập liên tục. Trần Thị Thúy Hằng (12 tuổi) dáng người nhỏ nhắn nhưng tách hạt điều rất nhanh.
Hằng cho biết: “Em làm ở đây được 2 năm. Lúc đầu em theo mẹ học việc, mỗi ngày chỉ tách được 1-2kg, giờ em làm được trên 10kg”. Hoàn cảnh gia đình Hằng rất khó khăn, cha mẹ không có việc làm ổn định, chị em Hằng đều đi làm thêm từ sớm. Mỗi dịp hè, em phải làm việc kiếm tiền mua sách, vở cho năm học mới.
Điểu Hung, lớp 7A, trường THCS Bình Minh mới nghỉ hè một ngày, nhưng từ sáng sớm đã lùa trâu ra bàu nước cách nhà 3km. Cha mẹ Hung trên 60 tuổi, các anh chị lớn có gia đình đã ra ở riêng, chỉ còn mình em chăm lo cho cha mẹ. Hè với Điểu Hung là những buổi chăn trâu, làm cỏ mì, cà phê.
Hung nói: “Em không đi làm thì lấy tiền đâu lo cho cha mẹ. Đầu năm học còn mua áo quần, sách vở nữa”. Chiếc ca - men bên ngoài dính đầy bụi, bên trong đựng cơm nguội với cá khô, Hung ăn vội rồi tiếp tục công việc.
Với những trẻ em nghèo, hè về cũng như ngày bình thường khác trong năm. Dẫu có mơ ước được đi chơi, nghỉ ngơi như các bạn đồng trang lứa nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ước mơ không thành hiện thực.
Ước mơ đến trườngNăm học 2013-2014, thầy trò trường THCS Bình Minh bất ngờ nhận được bức thư cảm động và xót xa của em Nguyễn Thị Ngọc Như, học sinh lớp 7C. Như là học sinh giỏi 7 năm liền, liên đội trưởng xuất sắc, cây văn nghệ của trường.
Do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly dị, Như phải về sống với bà ngoại và người em họ tên Tú. Những mùa hè trước, Như và Tú đến xưởng chẻ hạt điều. Nhưng năm nay, bà ngoại bệnh nặng, cần tiền chữa bệnh nên Như phải nghỉ học đi làm nuôi bà và em. Ước mơ đến trường, Như nhường cho Tú.
Thầy Nguyễn Thanh Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Bình Minh cho biết: “Hoàn cảnh của em Như rất đáng thương. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện giúp em đến trường nhưng vì bà ngoại già yếu, Như phải nghỉ học đi làm. Sắp tới, nhà trường sẽ vận động Như tham gia lớp phổ cập vào ban đêm”.
Mồ côi cha, Trần Thị Huyền Trang, học sinh lớp 7A trường THCS Bình Minh phải cắp sách đến trường trong thiếu thốn. Nhưng chưa năm nào cô học trò nghèo để tuột danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài những buổi đến lớp, Trang còn đi hái cà phê thuê, chẻ hạt điều... để có tiền mua dụng cụ học tập, đóng học phí. “Nhiều lúc em muốn nghỉ học để đỡ gánh nặng cho mẹ nhưng sợ mẹ buồn nên thôi. Em luôn tự nhủ phải cố gắng hơn”.
Không chỉ Ngọc Như, Huyền Trang, Điểu Hung... mà phần lớn các em có hoàn cảnh khó khăn cũng đang phải lao động trong những ngày hè để mưu sinh và chuẩn bị cho năm học mới. Hoàn cảnh khó khăn, ham học là điểm chung của các em, nhưng trên hết là nghị lực vươn lên để được học tập, có sống tốt hơn, trở thành người có ích cho xã hội.
Em muốn đến trường, muốn được tung bay trên sân trường như một chú chim sổ lồng, nhưng điều đó chỉ là ước vọng. Vì hoàn cảnh bắt buộc em đành phải nén lòng tạm biệt mái trường yêu dấu, xa rời các thầy cô mà em yêu quý nhất, chia tay những người bạn thân mến.
Mỗi lần nhìn thấy các bạn, các em cắp sách tới trường mà em thèm được tới lớp, được khoác lên người bộ đồng phục, được mang trên vai chiếc khăn quàng thắm đỏ... Con đường đến trường giờ đây không còn gập ghềnh khó đi, nhưng với em nó lại chông gai và xa xôi đến tận cuối chân trời...”
(Trích thư gửi Ban giám hiệu trường THCS Bình Minh của em Nguyễn Thị Ngọc Như).