Điều này được người trong cuộc đánh giá là điểm rất mới và nên làm để trường chuyên nâng tầm ảnh hưởng, phát huy vai trò đầu tàu.
Vai trò lan tỏa, dẫn dắt
Chia sẻ ý kiến tại cuộc họp về Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên mới đây, thầy Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đánh giá, một trong những điểm mới tại dự thảo rất đáng hoan nghênh là mạnh dạn giao nhiệm vụ cho trường chuyên, tổ chuyên môn của trường tổ chức các hội thảo chuyên môn.
Sẽ có khó khăn khi đưa vào triển khai cái mới, nhưng đây là điều cần thiết và nên làm. Tương tự, thầy Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) cũng nhất trí với điểm mới này và đề nghị Bộ GD&ĐT nên tổ chức hội thảo giữa các trường chuyên 3 năm 1 lần - để các trường có thể cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.
Phân tích yếu tố đáp ứng điểm mới này, thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), cho rằng: Hội thảo chuyên môn phù hợp với xu thế hoạt động quản lý và chuyên môn để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội thảo theo hình thức này không chỉ để nâng cao chất lượng giáo dục cho trường chuyên, mà còn cho các trường phổ thông không chuyên trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn quốc.
“Nếu trường chuyên trong cả nước đều tổ chức hiệu quả các hội thảo chuyên môn thì chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được nâng lên, góp phần đem lại nền giáo dục nước nhà hưng thịnh” - thầy Trần Văn Hưng chia sẻ.
Cùng với đó, qua hình thức tổ chức hội thảo chuyên đề sẽ nâng tầm ảnh hưởng của trường chuyên với các trường phổ thông không chuyên trên địa bàn. Việc này góp phần phát huy vai trò của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên của trường chuyên. Từ hoạt động đó cho thấy, trường chuyên không chỉ có trách nhiệm dạy học sinh chuyên mà với toàn ngành Giáo dục của địa phương trong công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
Góc độ cơ quan quản lý, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho rằng: Dự thảo Thông tư quan tâm đến hoạt động chuyên môn là hoàn toàn đúng, vì trường THPT chuyên của một tỉnh phải là đơn vị đầu tàu về chuyên môn; dẫn dắt phong trào dạy tốt và học tốt của các trường phổ thông. Trường chuyên là đơn vị dẫn dắt về chuyên môn thông qua các hội nghị, hội thảo. “Thực hiện nội dung này theo tôi không quá khó khăn vì thực tế Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ đã và đang làm” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.
Sau khi nghiên cứu dự thảo, ông Nguyễn Duy Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hòa Bình, cũng nhận thấy quy định giao nhiệm vụ cho hiệu trưởng và các tổ chuyên môn của trường chuyên tổ chức các hội thảo, chuyên đề về công tác quản lý, chuyên môn là hợp lý.
“Trường THPT chuyên, đặc biệt là trường THPT chuyên tại các tỉnh, thành phố luôn là đơn vị đi đầu trong hoạt động giáo dục tại địa phương, đặc biệt về lĩnh vực chuyên môn. Quy định này tạo ra sự lan tỏa của trường THPT chuyên đến các trường THPT trên địa bàn; của giáo viên trường chuyên - những thầy, cô giáo giỏi chuyên môn - đến giáo viên các trường THPT khác. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau” - ông Nguyễn Duy Tiến nêu quan điểm.
Ảnh minh họa/ INT |
Nên mở rộng thành phần tham gia
Trường THPT chuyên Thái Nguyên những năm gần đây đã cùng các trường THPT chuyên trong khu vực thường xuyên tổ chức hội thảo để dạy môn chuyên bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đối với các trường phổ thông trên địa bàn, nhà trường xác định phải có sự chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, chuyên môn, nên thường xuyên cử giáo viên hỗ trợ các trường phổ thông trong tỉnh như chấm thi giáo viên dạy giỏi, dạy chuyên đề, ra đề thi, bồi dưỡng giáo viên, dạy trên truyền hình để giáo viên trong tỉnh học tập… Đó là lý do thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hưng khẳng định nội dung mới trong dự thảo quy chế - chủ trì hội thảo chuyên môn - không khó khăn với Trường THPT chuyên Thái Nguyên.
“Hiện, các trường phổ thông ở Thái Nguyên có cơ sở hạ tầng để ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt, nên thuận lợi để tổ chức hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến. Trường THPT chuyên Thái Nguyên ở trung tâm của tỉnh, cơ sở vật chất hiện đại nên thuận lợi cho việc di chuyển của giáo viên trên địa bàn đến dự hội thảo. Cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên trường THPT chuyên đều là người giỏi về chuyên môn, hiểu biết về quản lý giáo dục, nên có đủ khả năng, năng lực tổ chức hội thảo. Trường THPT chuyên Thái Nguyên được tỉnh, ngành quan tâm nên tạo điều kiện để nhà trường thực hiện những đổi mới” - thầy Trần Văn Hưng thông tin thêm.
Từ thực tế ở Hòa Bình, ông Nguyễn Duy Tiến cho rằng, trường THPT chuyên có thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vững vàng...; tuy nhiên khi triển khai nội dung này sẽ gặp một số khó khăn. Theo đó, trường THPT chuyên có số lượng tổ chuyên môn nhiều, vì vậy số lượng các buổi tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo quy định khá lớn, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của nhà trường. Có những giai đoạn như tập trung ôn thi học sinh giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp THPT... sẽ có khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức các hội thảo, chuyên đề. Cùng với đó, phát sinh kinh phí khi tổ chức thực hiện…
Ý kiến mở rộng đối tượng ngoài trường chuyên tham gia hội thảo chuyên môn cũng được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy nhắc đến. Tại cuộc họp về Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên mới đây, ông Phạm Khương Duy bày tỏ mong muốn hội thảo có sự tham gia của chuyên gia ở viện, trường ĐH, cũng như các trường THCS.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc giao Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc tới đây tổ chức dạng trại hè, các trường trọng điểm THCS, giáo viên có năng khiếu, giáo viên cốt cán về sinh hoạt chuyên môn cùng giáo viên trường chuyên. Học sinh THCS về tham quan mô hình trường chuyên, nơi ở, môi trường học tập, tham gia các câu lạc bộ trường chuyên; từ đó tạo động lực cho các em học tập, phấn đấu.
Theo ông Nguyễn Duy Tiến, Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn trường THPT chuyên phải xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung, thời gian, quy mô tổ chức các hội thảo, chuyên đề ngay từ đầu năm học. Nội dung phải chi tiết, bảo đảm tính khoa học và hiệu quả khi thực hiện. Xây dựng dự toán và dành kinh phí để tổ chức. Mở rộng quy định trong Thông tư (có thể đến cả các trường THCS trên địa bàn) để tạo sức lan tỏa và hiệu quả hơn.