Bao giờ ban hành giá thành sản xuất lúa gạo?

Bao giờ ban hành giá thành sản xuất lúa gạo?

Khó khăn về thị trường

Hiện giá lúa hè thu của ĐBSCL đang dao động ở mức giá 3.700- 3.800 đ/kg nhưng hầu như không có người mua. Nhiều chuyên gia nông nghiệp dự đoán, giá lúa sẽ còn giảm vì hiện nay doanh nghiệp và thương lái chần chừ không muốn mua vào, nông dân không có kho dự trữ nên lúa càng để lâu càng kém chất lượng, càng mất giá.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện lượng gạo vụ đông xuân tồn kho vẫn còn khoảng 1,7 triệu tấn. Dù số lượng hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký khoảng 1,8 triệu tấn nữa, nhưng khả năng giao hàng tương đối ít, dự kiến giao trong tháng 6 cũng chỉ 700.000 tấn, nên lượng gạo vụ đông xuân tồn kho chuyển sang quí 3 còn trên 1 triệu tấn, cộng thêm sản lượng vụ hè thu ước tính khoảng 8 triệu tấn sẽ là áp lực tiêu thụ rất lớn.

Bao giờ ban hành giá thành sản xuất lúa gạo? ảnh 1
Lúa hè thu đã bắt đầu bước vào thu hoạch chính vụ.

Trong khi đó, tình hình tiêu thụ lúa gạo trên thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các nước có nhu cầu nhập khẩu lớn đều đã nhập xong trong 6 tháng đầu năm 2010 nên nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước cần nhập khẩu gạo trong thời gian tới sẽ giảm mạnh. Chưa kể, các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, Thái Lan đều được mùa. Năm nay, có thể Ấn Độ cũng quay lại thị trường xuất khẩu gạo càng tạo thêm áp lực về thị trường. Thị trường châu Phi vốn là niềm hy vọng lớn nay cũng chưa có dấu hiệu khả quan nào, giá gạo cao các nước này đang chuyển sang dùng bắp, lúa mì với giá rẻ hơn nhiều. Ngoài ra, bất chấp cảnh báo, vụ hè thu vừa qua, nông dân vẫn lao vào trồng các loại lúa phẩm cấp thấp, khiến việc tiêu thụ càng thêm khó khăn.

Hiệp hội lương thực dự báo, có thể cuối năm tới, nhu cầu lúa gạo trên thế giới sẽ tăng trở lại để phục vụ nhu cầu năm 2011 song khả năng này cũng chưa chắc chắn.

Chậm hỗ trợ nông dân

Tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố giá mua lúa bảo đảm lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất. Mức giá nói trên phải được công bố ngay từ đầu vụ sản xuất để các tỉnh lấy làm căn cứ công bố giá mua lúa hàng hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ đông xuân đã kết thúc, vụ hè thu đã bước vào thu hoạch nhưng Bộ Tài chính vẫn đang ì ạch tính toán, chưa công bố được giá thành sản xuất của hai vụ lúa trên.

Cần phải nói thêm là vụ đông xuân vừa qua, nông dân ĐBSCL đã tiêu thụ hết lúa đông xuân, một phần là nhờ Hiệp hội lương thực (VFA) đã đẩy mạnh mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trên cơ sở tự đưa ra mức giá sàn là 4.000 đ/kg (tự đưa giá sàn do Bộ Tài chính chậm công bố giá thành). Song cũng vì vậy màVFA bị dư luận cho rằng “vừa đá bóng, vừa thổi còi, ép giá nông dân”. Bị chỉ trích, cộng với khả năng tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới khó khăn nên vụ hè thu này, VFA cho biết vụ hè thu này sẽ chờ Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất rồi mới mua tạm trữ ch khách quan. Bộ Tài chính chậm công bố ngày nào, người nông dân sẽ càng khó khăn trong tiêu thụ ngày đó. 

Ông Huỳnh Minh Huệ cho hay, hiện các DN vẫn mua gạo theo giá thị trường trong khi chờ hướng dẫn mới. Tuy nhiên, giá thị trường hiện nay không đảm bảo cho người nông dân có lãi 30% như chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, các tỉnh cũng chưa thể côgn bố giá thu mua lúa gạo theo quy định của Chính phủ vì đợi Bộ Tài chính công bố giá thành. Chưa kể, các DN cũng chẳng mặn mà mua lúa gạo tạm trữ bởi chi phí lớn. Một DN cho hay, chi phí cho 1 tấn gạo trữ trong kho khoảng 7 - 8 USD/tháng.

Trước những bức xúc của DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Bộ Tài chính sớm công bố khung giá thành thu mua lúa gạo để UBND các tỉnh căn cứ xây dựng khung giá thu mua tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và bà con nông dân. 

Bao giờ ban hành giá thành sản xuất lúa gạo? ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời báo chí bên hành lang QH.

Trả lời về sự chậm trễ này, bên lề hành lang Quốc hội, ngày 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ đang chỉ đạo các bộ phận liên quan nhanh chóng ban hành giá thành sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân trồng lúa, Bộ cũng đã nghiên cứu và trình Chính phủ Đề án chính sách tiêu thụ lúa cho người sản xuất, góp phần bình ổn thị trường lúa, gạo ở Việt Nam. Theo đó, để hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, Đề án đưa ra một giải pháp quan trọng: thành lập Quỹ bình ổn giá lúa, gạo. Quỹ bình ổn này được hình thành thông qua cơ chế trích theo mức tiền cố định trên đầu tấn gạo xuất khẩu trực tiếp của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, được phép hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý của doanh nghiệp. Quỹ chỉ sử dụng cho mục tiêu thu mua lúa cho người sản xuất lúa, không sử dụng cho mục đích khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, Đề án vẫn chưa được Chính phủ thông qua. Trên thực tế, dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thời gian qua, nông dân vẫn chưa đảm bảo lãi 30% như chỉ đạo của Chính phủ.

Theo dự kiến, ngày mai (11/6), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức phát sẽ đăng đàn trả lời chất ván Quốc hội. Trong đó, đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho nông dân có lãi tối thiểu 30% là một trong những vấn đề nóng bỏng được nhiều đại biểu quan tâm.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy trò Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An trong giờ học.

'Hạ nhiệt' áp lực kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Năm đầu tiên đổi mới hình thức, nội dung thi vào lớp 10 THPT khiến nhà trường, thầy cô, đặc biệt học sinh lớp 9 và phụ huynh băn khoăn lo lắng.