Phiên họp bàn về kinh nghiệm và những vấn đề hình thành lối sống lành mạnh của trẻ em và thanh niên.
Những số liệu khác nhau
Các đại biểu, tất nhiên, hết sức sửng sốt trước các số liệu của Viện Nghiên cứu khoa học vệ sinh và bảo vệ sức khỏe trẻ em và thiếu niên của Bộ Y tế Liên bang Nga.
Thì ra, chỉ có 4,3% học sinh lớp 1 là hoàn toàn khỏe mạnh, còn đến lớp 11 thì không còn những học sinh như vậy nữa. Tỷ lệ học sinh hoàn toàn khỏe mạnh giảm dần theo năm học từ 44,4% xuống 34%. Đồng thời, số học sinh mắc các bệnh mạn tính tăng lên, hay gặp nhất là rối loạn chức năng tim mạch, hệ thần kinh và cơ bắp, các cơ quan hô hấp và thị giác.
Trong khi đó, mới gần đây thôi, ngay trước thềm năm học mới 2018 - 2019, cả nước được thông báo những số liệu hoàn toàn khác, rất lạc quan.
Lúc bấy giờ, Vụ trưởng Vụ Trợ giúp y tế cho trẻ em và cung cấp dịch vụ thuộc Bộ Y tế LB Nga Elena Baybarina cho biết rằng ở nước Nga có gần 85% trẻ em tuổi học sinh phổ thông khỏe mạnh hoặc hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ có một số rối loạn chức năng nhỏ.
Kém lạc quan hơn là số liệu của Cục Giám sát và Bảo vệ người tiêu dùng của LB Nga cách đây 1 năm.
Theo đó, số trẻ em Nga hoàn toàn khỏe mạnh giảm xuống đáng kể (trong học sinh, tỷ lệ đó không quá 10 - 12%), 10 năm gần đây, ở tất cả các nhóm tuổi, số bệnh rối loạn chức năng và bệnh mạn tính tăng lên, 1,5 lần và 2 lần tương ứng. Hơn một nửa số học sinh phổ thông từ 7 - 9 tuổi và 60% học sinh THPT đã mắc các bệnh mạn tính.
So sánh tất cả các số liệu nêu trên, bạn sẽ không ngạc nhiên về những kết luận của ông giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia, bác sĩ trưởng của Bộ Y tế, Viện sĩ Aleksandr Baranov: “Tình trạng sức khỏe của học sinh phổ thông Nga tệ hơn nhiều so với con số thống kê chính thức đưa ra”.
Trung tâm của ông đã độc lập tiến hành khảo sát tình trạng sức khỏe của học sinh phổ thông. Khảo sát được thực hiện năm 2018 tại các cơ sở giáo dục và các trường phổ thông của 9 chủ thể LB Nga.
Các chuyên gia đã khám sức khỏe cho gần 3.000 học sinh. Hầu như cứ 12 học sinh thì bác sĩ phát hiện ra một em bị bệnh ống dạ dày - ruột. Cứ 6 học sinh thì có một em bị bệnh chỉnh hình.
Cứ 4 học sinh thì có 1 em bị cận thị. Ở tất cả các khu vực, bác sĩ đều phát hiện hiện tượng suy giảm tư duy trực quan - hiện tượng nghiêm trọng ở những học sinh được khảo sát, có thể là vì thiếu muối i ốt. 75% những học sinh được khảo sát mắc các bệnh liên quan tới hệ thần kinh như đau đầu, đau nửa đầu, rối loạn chức năng thực vật, cứ 3 học sinh thì có 1 em bị các bệnh dị ứng. Cứ 5 học sinh thì 1 em bị thừa cân.
Theo bác sĩ: “Hiện nay béo phì là một trong những vấn đề chính của các bác sĩ nhi khoa, vì nó liên quan tới những căn bệnh nguy hiểm, trước hết là tiểu đường và bệnh tim mạch. Chúng ta thấy rằng, hiện nay bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ đang được trẻ hóa, và điều đó liên quan tới hiện tượng béo phì phổ biến”.
Viện sĩ Aleksandr Baranov trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí “Tia lửa nhỏ”, khi được hỏi về sức khỏe của học sinh phổ thông Nga, bác sĩ Aleksandr Baranov nói: “Hiện nay các bệnh của hệ vận động chiếm vị trí đầu tiên. Sở dĩ như vậy là vì trẻ em rất ít vận động, phần lớn thời gian ở trường và ở nhà, các em ngồi trước máy tính.
Kết quả là ở nước Nga, về phát triển thể chất, có 40% thanh, thiếu niên thua các bạn cùng tuổi trong những năm 60 và gần 30% thanh niên không thể phục vụ trong quân đội do không đủ tiêu chuẩn sức khỏe. Đồng thời có gần 40% các bạn trẻ mắc các bệnh có ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh sản.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Rất có thể tình hình sẽ được cải thiện cùng với việc nước Nga thông qua dự luật “Về y tế trường học”. Dự luật yêu cầu trả lại các nhân viên y tế cho các trường phổ thông, bắt buộc các thầy giáo trợ giúp ban đầu cho học sinh khi bị chấn thương và các căn bệnh bất ngờ, còn các bậc phụ huynh thông báo về sức khỏe của học sinh nếu cần những điều kiện học tập đặc biệt cho các em.
Mặc dù đồng tác giả của dự luật gồm hơn 100 đại biểu Duma Quốc gia, nhưng có hai ủy ban của Duma Quốc gia: Ủy ban Giáo dục và Khoa học và Ủy ban Bảo vệ sức khỏe là hăng hái nhất trong việc thông qua dự luật này. Hiện nay theo ông Dmitry Morozov, chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sức khỏe, dự luật quan trọng này đang được chính phủ xem xét lần cuối.
Bản thân Ủy ban Bảo vệ sức khỏe của Duma Quốc gia Liên bang Nga, cơ quan đề xuất dự luật này, đưa ra những kiến nghị cụ thể như sau:
- Bác sĩ nhà trường là bác sĩ đa khoa. Đối tượng phục vụ là 1.000 học sinh. Hơn nữa, anh ta không chỉ làm việc trong các giờ học, mà cả trong lúc học sinh học thêm hay thi đấu thể thao. Ngoài ra, ở trường phổ thông thường xuyên có mặt của y tá nhà trường (có thể, có trình độ đại học).
Bác sĩ trợ giúp giáo viên thể dục, kiểm tra chế độ ăn uống của học sinh, ánh sáng các phòng học, quá trình điều trị ngoại trú. Anh ta có thể mời bác sĩ chuyên khoa thần kinh từ bệnh viện đến khám cho học sinh. Nghĩa là anh ta còn là một người điều phối;
- Phòng y tế của nhà trường là một địa điểm rộng rãi, bắt buộc phải có tủ và tủ thuốc để sơ cứu, có phòng khám, nơi có thể kiểm tra thị lực, thính lực, tiêm chủng và điều trị ngoại trú cho học sinh.
Ông Dmitry Morozov đề nghị tất cả các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, bác sĩ không thờ ơ với sức khỏe trẻ em gửi cho ông và các đồng nghiệp những kiến nghị cụ thể để phân tích và xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo: “Bảo vệ sức khỏe trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cần phải bảo vệ và giữ gìn sức khỏe bằng mọi cách, kể cả phát triển thể thao quần chúng để học sinh của chúng ta sau khi đi học về thích chơi bóng chuyền, chứ không phải chúi mũi vào màn hình máy tính. Các bậc phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm về sự phát triển thể chất và sức khỏe của con em mình”.
Nhà trường – yếu tố hủy hoại sức khỏe
Viện sĩ Aleksandr Baranov coi nhà trường phổ thông “là yếu tố hủy hoại sức khỏe của trẻ em”: “Các chương trình được giảng dạy ở trường phổ thông đang làm què quặt đứa trẻ trong nghĩa đen của từ này. Chúng bắt các em học quá tải và không cho các em nghỉ ngơi tử tế, phục hồi cơ thể.
Ngoài nhà trường, trẻ em hiện nay ngồi trước máy tính và các thiết bị điện tử khác mỗi ngày 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Kết quả là 70% học sinh bị loạn thị. Trong khi đó, có một quy tắc đơn giản: Để phục hồi hoạt động của cơ quan thị giác, đứa trẻ cần đi dạo 2 giờ mỗi ngày... Để tránh căng thẳng đứa trẻ cần có chế độ sinh hoạt bình thường: Ngủ, chơi và ăn uống đầy đủ”.
Theo Viện sĩ Aleksandr Baranov, những năm gần đây, hệ thống y tế nhà trường hoàn toàn bị phá hủy: “Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để xây dựng lại hệ thống đó, cụ thể là đào tạo đội ngũ y tá có trình độ đại học chuyên làm việc ở trường phổ thông. Nhưng, như người ta nói, phá thì dễ, làm mới khó”.