Báo động tình trạng suy thoái đạo đức nghề nghiệp

GD&TĐ - Ngày 28/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức diễn đàn khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có các quy định cụ thể, thiết lập một cơ chế giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp (ĐĐNN) cũng như xét xử các hành vi vi phạm một cách nghiêm minh.

Các đại biểu phát biểu tại diễn đàn khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”
Các đại biểu phát biểu tại diễn đàn khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”

Cần cơ chế giám sát

TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, trong phát biểu đề dẫn đánh giá, chuẩn mực ĐĐNN do Việt Nam ban hành phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi để chuẩn mực ĐĐNN được các thành viên tôn trọng chấp hành đúng đắn, không thể chỉ dựa trên ý chí của Nhà nước thông qua một văn bản pháp quy.

Vì thế, để các quy định ĐĐNN đi vào thực tế, cần phải thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ cũng như xét xử các hành vi vi phạm ĐĐNN. Một hệ thống đầy đủ phải bao gồm tổ chức và quy chế, trong đó tổ chức phải có khả năng hướng dẫn, giám sát, thu thập thông tin phản hồi và hoàn thiện các quy định.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đặt câu hỏi, vì sao chúng ta có một hệ thống pháp luật dày đặc, thể chế cực mạnh cả về chính trị và pháp lý, đặc biệt có “trăm tay nghìn mắt” các tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... mà đến giờ vẫn phải bàn đến đạo đức? Và rồi ông trả lời: Phải chăng đang có nhiều lỗ hổng trong cách hành xử của con người?

Ông kể, khi sang Nhật Bản, đến đoạn đường có đèn đỏ không có chiếc xe nào chạy qua và vị Giáo sư Nhật Bản đi cùng ông cho biết, ở đây không cần ai đứng ra ngăn cản, xử phạt vì người ta sợ nhất bị nhìn vào mặt. Ông Nhưỡng cũng nói vui, ông mang máy ảnh sang Nhật xem có ai “tè bậy” để chụp nhưng không tìm được ai. “Phải chăng pháp luật của họ nghiêm? Nhưng cùng với đó, nền tảng, bà đỡ lớn nhất của pháp luật vẫn là đạo đức”, TS Lưu Bình Nhưỡng nói. Đạo đức vừa là bà đỡ của pháp luật, đồng thời là mục tiêu của xã hội. Khi hành nghề con người vươn tới sự tốt đẹp, trượng nghĩa. “Hành nghề không có đạo đức thì không ai tôn trọng”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

TS Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, thực tế bằng các hình thức khác nhau không có quy định bằng văn bản pháp luật tiêu chuẩn nhưng trong thực tế ĐĐNN đã được thể hiện cho mọi người, mọi ngành nghề. Chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều vấn đề nảy sinh đặc biệt là sự chi phối của đồng tiền, ham làm giàu bằng mọi cách, đạo đức nói chung và ĐĐNN nói riêng đang là vấn đề lớn.

Trong ngành Y, hàng loạt hiện tượng vi phạm tiêu chuẩn ĐĐNN đã được phát hiện như làm thuốc giả, nâng giá thuốc vô tội vạ hay nạn phong bì khi muốn khám và điều trị; làm giá trong khám chữa bệnh thông qua các xét nghiệm chẩn đoán…

Ở các ngành nghề khác cũng không hiếm dẫn chứng vi phạm đạo như làm hàng giả, mua gian, bán lận; công trình xây dựng chất lượng kém, xuống cấp; gian lận trong giao thầu, nhận thầu…

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng, ĐĐNN xuống cấp ở một bộ phận cán bộ biểu hiện ở thái độ hách dịch, cửa quyền, sống xa dân, nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, bè phái, gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ…

Nghề nào cũng cần có tâm

Theo TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục, trong giai đoạn hiện nay, trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị bị chi phối bởi đồng tiền, do đó, người thầy phải biết giữ mình, tránh xa mọi cám dỗ tầm thường, giữ cho tâm hồn trong sáng. Mọi hành vi phải nâng lên thành văn hóa trong đối nhân xử thế, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Thầy cô giáo chính là tấm gương để học sinh noi theo. Khi tấm gương ấy thực trong sáng, thì những tiêu cực sẽ hạn chế và sớm bị loại trừ. Để làm được điều đó, người thầy cần phải có “tâm – tài - đức”.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, mỗi nghề có một yêu cầu về đạo đức riêng, nhưng bác sĩ và nhà giáo là hai đối tượng đặc thù cần đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Tóm lại phải có “lòng tốt”, phải thiện tâm, là một người hành nghề tử tế. Kẻ không có lương tâm, thiếu lương tâm thường vô tình, vô cảm trước đồng loại. Vì vậy, người hành nghề phải triệt bỏ thói vô lương khi nó xuất hiện “vòi vĩnh” mình. Hành nghề phải có trách nhiệm, tức là phải xác định được bổn phận khi hành nghề. Dám chịu trách nhiệm, gánh vác những nhiệm vụ cho dù nặng nề, khó khăn mà nghề nghiệp trao cho, coi đó là sứ mệnh tự nhiên và vinh quang của nghề.

ThS Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam, cho rằng cần thiết phải tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ĐĐNN, từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động, chỉ đạo và kiểm tra. Để thực hành ĐĐNN, cần xây dựng được bộ tiêu chí chuẩn, rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi. Tiêu chí ĐĐNN phải dựa trên đánh giá thực trạng của ngành lĩnh vực, đánh giá các yếu tố bên trong, bên ngoài có thể tác động đến vấn đề ĐĐNN, có sự so sánh với chuẩn mực đạo đức hiện hành.

Các tiêu chí ĐĐNN cần được công khai áp dụng với tất cả những người hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực. Việc học tập, quán triệt tiêu chuẩn ĐĐNN phải tiến hành thường xuyên liên tục, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, không mang tính hình thức mà luôn bám sát thực tiễn, khuyến khích, nêu gương các tấm gương tiêu biểu, phải tạo thành văn hóa công sở, thành động lực để mỗi người cùng phấn đấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.