Báo động hàng giả, hàng nhái tràn lan ở TP HCM

GD&TĐ - Nhiều nơi được mệnh danh là 'thiên đường mua sắm' của tín đồ thời trang trong nước và quốc tế khi đến TPHCM đang công khai bán hàng giả, hàng nhái.

Cục QLTT TPHCM liên tục kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại Saigon Square nhưng lần nào cũng phát hiện vi phạm. Ảnh: QLTT
Cục QLTT TPHCM liên tục kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại Saigon Square nhưng lần nào cũng phát hiện vi phạm. Ảnh: QLTT

Hàng giả, hàng nhái ở “thiên đường mua sắm”

Trung tâm Thương mại Saigon Square (Quận 1) - nơi được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của tín đồ thời trang trong nước và quốc tế khi đến TPHCM. Dù bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt nhiều lần, nhưng trung tâm vẫn bày bán công khai các sản phẩm hàng giả, hàng nhái.

Rảo một vòng tại Saigon Square, không khó để bắt gặp hàng nghìn sản phẩm từ quần áo, giày dép, túi xách… của các thương hiệu nổi tiếng thế giới với giá cả “cực mềm”. Tại một quầy hàng túi xách tại Saigon Square trưng bày toàn những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi cầm thử chiếc túi xách tay hiệu Christian Dior có họa tiết đến phông chữ y hệt trong cửa hàng Dior. Nhân viên báo giá chỉ 1,1 triệu đồng (trong khi giá bán tại cửa hàng của Dior với mặt hàng tương tự lên tới 100 triệu đồng).

Thực tế, cứ sau mỗi lần bị “đột kích”, nhiều quầy hàng trong Saigon Square tung chiêu “cửa đóng then cài”, tạm ngừng buôn bán ít hôm, sau đó lại tiếp tục mở trở lại và vẫn bán hàng giả.

Trước đó, cuối tháng 9, Saigon Square bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Cục QLTT TPHCM kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức xi mạ… không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam. Điều đáng nói, Saigon Square thường xuyên bị kiểm tra, lần nào cũng bị phát hiện kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM cho hay, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra, xử lý 30 vụ vi phạm tại Trung tâm Thương mại Saigon Square, tạm giữ 968 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng; xử phạt với số tiền hơn 223,5 triệu đồng.

“Công tác quản lý địa bàn, kiểm tra xử lý vi phạm kịp thời có mang lại kết quả, dẫn đến việc bày bán hàng giả, hàng nhái công khai tại Saigon Square có sự sụt giảm đáng kể (giảm 43,33% so với 43 vụ cùng kỳ năm 2023)”, ông Huy thông tin.

Khu vực kinh doanh quần áo, giày dép ở chợ Bến Thành (Quận 1), khách nước ngoài đến cũng được tiểu thương giới thiệu các loại áo thun thương hiệu Polo, Louis Vuitton, Adidas… với giá tầm 500 nghìn đồng/cái. Người nào rành việc “trả giá” có thể mua được những mặt hàng này khoảng 100 nghìn đồng.

Tại một quầy bán nước hoa với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới, phóng viên được chủ quầy mời mua lọ nước hoa Chanel Chance 100ml giá 400 nghìn đồng, Dior Sauvage EDP 100ml giá 450 nghìn đồng… Trong khi đó, tại các cửa hàng chính hãng, giá hai lọ nước hoa trên lần lượt là 4,5 triệu đồng và 3,2 triệu đồng…

Từ 16 giờ trở khi, phố thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Quận 5), tiểu thương đổ hàng đống đồ hiệu từ túi xách, giày dép, quần áo… ngay trên vỉa hè với giá chỉ vài chục nghìn đồng/món. Rất nhiều túi mang thương hiệu cao cấp bày bán theo kiểu đổ đống, đồng giá, chẳng hạn túi xách Chanel, Louis Vuitton, Dior… được treo đồng giá 150.000 đồng nhưng tấp nập người mua. Giày dép, quần áo thể thao hãng Nike, Adidas, Puma đồng giá 100 nghìn đồng…

Bới tung núi đồ, chị Hương (25 tuổi) nhặt được 2 túi xách “hàng hiệu” khá ưng ý với giá không thể rẻ hơn, chỉ 55 nghìn đồng/cái. “Giá này thì chỉ có hàng “fake” (nhái) thôi nhưng đẹp, rẻ là được”, chị Hương nói.

Bà H., người chuyên kinh doanh hàng hiệu “fake” khu vực này tiết lộ, hàng “fake” có nhiều loại từ cấp thấp đến cao cấp, có loại vài ba chục nghìn đồng nhưng cũng có loại cả triệu đồng.

Theo người này, sở dĩ sản phẩm có giá rẻ vì chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên hay những người có thu nhập thấp. Những khách hàng này chỉ quan tâm đến yếu tố mẫu mã đẹp, giá rẻ và được gắn mác các nhãn hiệu nổi tiếng được ưa chuộng.

tphcm-bao-dong-hang-gia-hang-nhai-tran-lan-1-4050-8112.jpg
Hàng giả, hàng nhái thương hiệu giá rẻ bèo bán công khai tại Saigon Square. Ảnh: Q.H

Thói quen tiêu dùng “dễ dãi” tiếp tay cho hàng nhái

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM nhận định, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt.
Lý do hàng giả, hàng nhái dù bị truy quét quyết liệt nhưng vẫn còn “đất sống”, bà Thu cho rằng có nguyên nhân từ chế tài xử phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Cũng theo bà Việt Thu, một trong những lý do để hàng giả, hàng gian lận thương mại và không rõ nguồn gốc xuất xứ tồn tại là do một bộ phận người tiêu dùng dễ “bằng lòng” và thỏa hiệp với các sản phẩm hàng giả. Bởi trên thực tế, “có cầu thì mới có cung”.

Trong khi Chính phủ đã có nhiều chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực vào cuộc “dẹp” hàng giả, hàng gian lận thương mại, nhiều người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua, dù biết người chịu thiệt hại trước tiên là mình.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM cho rằng, do mặt trái của nền kinh tế thị trường, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái mang lại lợi nhuận lớn đánh đúng vào thị hiếu của người tiêu dùng với sự đa dạng mẫu mã cùng giá thành thấp nên các tiểu thương vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.

Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chuyển dần từ bán hàng trực tiếp sang kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, người bán lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm.

“Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên không gian mạng đang là một mặt trận mới, nóng bỏng và vô cùng khó khăn, bởi xử lý vi phạm trên không gian mạng khó hơn rất nhiều.

Do vậy, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu”, ông Huy nói.

Lãnh đạo Cục QLTT TPHCM cũng yêu cầu đội 4 QLTT và các QLTT chuyên ngành, liên ngành tăng cường quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm (Saigon Square, chợ Bến Thành, Taka Plaza, Chợ Nga…) và các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lưu Văn Lang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cách Mạng Tháng Tám…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT TPHCM) kiểm tra 249 vụ, trong đó vi phạm chủ yếu về các hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn vị đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm trị giá hơn 12,6 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.