Điều đó khiến nhiệt độ hai vùng chỉ trong thời gian ngắn tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy. Trong khi các chuyên gia cho biết, hiện tượng bất thường này vẫn có thể được coi là “kịch tính” và “đáng báo động”.
Tại Nam Cực vào trung tuần tháng 3 này, nhiệt độ đạt kỷ lục cao hơn mức bình thường khoảng 40⁰C một cách đáng kinh ngạc. Cụ thể vào ngày 18/3, tại trạm Concordia cao 3.234 m đo được mức nhiệt -12,2 độ C, ấm hơn khoảng 40⁰C so với mức trung bình. Đồng thời, các trạm thời tiết gần cực Bắc cũng ghi nhận dấu hiệu băng tan chảy nhanh, với nhiệt độ cao hơn 30⁰C so với mức bình thường.
Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ ở Nam Cực sắp trở lại bình thường nhưng vẫn chưa rõ chính xác khi nào đợt nóng tại Bắc Cực sẽ kết thúc. Hiện tượng tăng nhiệt độ ở cả hai vùng cực cùng lúc là rất hiếm vì mùa tại hai địa điểm đối lập nhau. Khi mùa xuân đến ở Bắc bán cầu, Bắc Cực mới bắt đầu tan băng trong khi Nam Cực đang dần lạnh trở lại sau nhiều tháng hè bị tan chảy.
Các nhà khoa học đặc biệt ngạc nhiên trước đợt nắng nóng ở Nam Cực vì nhiệt độ ở đó nhìn chung vẫn ổn định hơn so với Bắc Cực, nơi đang nóng lên nhanh gấp ba lần so với phần còn lại của hành tinh, theo một báo cáo được công bố vào năm 2021 bởi Chương trình Đánh giá và Giám sát Bắc Cực.
Đợt nắng nóng ở Nam Cực rất có thể là kết quả của một dòng sông trong khí quyển - một hành lang hẹp của hơi nước di chuyển qua bầu trời. Theo The Washington Post, hơi ẩm có thể di chuyển qua Nam Cực và sau đó bị giữ lại bởi một “vòm nhiệt” hoặc hệ thống áp suất cao gần đó.
Jonathan Wille, nhà khí tượng học vùng cực tại Đại học Grenobles Alpes ở Pháp, nói với The Washington Post: “Độ ẩm này là lý do tại sao nhiệt độ lại tăng cao đến vậy. Đây không phải là thứ mà chúng ta đã thấy trước đây. Có khả năng một số khu vực ở Nam Cực không thường tan chảy có thể đã trải qua lần tan chảy đầu tiên vì đợt nóng”.
Một nghiên cứu được công bố ngày 6/12/2021 trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy các đợt nắng nóng ở Bắc Cực đang xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài và lan rộng hơn.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan riêng lẻ khó có thể quy trực tiếp cho biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự đoán rằng những sự kiện như vậy sẽ trở nên thường xuyên và cực đoan hơn trong tương lai nếu lượng phát thải khí nhà kính hiện tại không được giảm mạnh.