Đây cũng là lý do nhiều lãnh đạo trường đại học thể hiện đồng tình với dự thảo Thông tư “Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” của Bộ GD&ĐT.
Văn bằng kèm phụ lục
GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - khi nói về dự thảo Thông tư “Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” đã nhắc đến 2 căn cứ pháp lý là Luật Giáo dục và Khung trình độ quốc gia.
Theo đó, Điều 12 của Luật Giáo dục quy định: Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định…
Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
Còn theo Quyết định 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam: Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 6 được cấp bằng đại học. Trong 8 mức độ của Khung trình độ, mỗi mức chỉ có một tên văn bằng – phụ lục Quyết định 1982/QĐ-TTg quy định rõ điều này.
Ngoài ra, cấp đồng thời cùng với văn bằng còn có phụ lục văn bằng. Trong thực tế đời sống, các phân khúc thị trường lao động khác nhau có thể có yêu cầu tương đối cụ thể hơn về kĩ năng, thế mạnh, thế yếu của từng ứng viên. Phụ lục văn bằng sẽ giải quyết được câu chuyện này. Từ phụ lục văn bằng, người sử dụng lao động có thể biết những thông tin cụ thể về loại hình đào tạo, mức độ uy tín về chương trình đào tạo; bảng điểm cụ thể giúp người sử dụng biết rõ ứng viên có thể mạnh ở môn học nào để đánh giá bổ sung, từ đó tuyển dụng phù hợp.
“Việc ban hành văn bằng kèm theo phụ lục văn bằng là hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế và các văn bản hiện hành, đặc biệt là Luật Giáo dục mới ban hành và Khung trình độ quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới, văn bằng và phụ lục đi kèm với nhau thành tạo thành giá trị pháp lý hợp nhất” – GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.
Ảnh minh họa/ INT |
Công bố thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng
Từ thực tế quản lý ở Trường ĐH Vinh, Hiệu trưởng, GS.TS Đinh Xuân Khoa nhận định: Việc không ghi các thông tin trên lên văn bằng là phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của Luật về sự bình đẳng của các loại hình đào tạo; chống được nạn chạy bằng, chạy điểm...
“Chúng tôi nhận được khá nhiều giấy đề nghị xác nhận văn bằng chứng chỉ. Trong khi đó, danh sách sinh viên, quá trình học tập, tốt nghiệp của người học được đưa công khai trên website của nhà trường. Tìm hiểu về người học qua kênh đó chính xác, tốt hơn nhiều là chỉ qua một tấm bằng. Văn bằng đại học, dù chi tiết đến mấy cũng không phản ánh được cả quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên” – GS Đinh Xuân Khoa nói thêm.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cũng cho rằng, để làm được như dự thảo, các cơ sở giáo dục đại học phải minh bạch thông tin qua hồ sơ sinh viên. Đồng thời, có chế tài bắt buộc các cơ sở giáo dục đại học công bố thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng: Dự thảo của Bộ GD&ĐT đã tích hợp 3 Thông tư quy định về nội dung ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ hiện hành. Đây là một bước tiến tích cực, thể hiện đúng tinh thần đổi mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về khía cạnh giảm bớt trùng lặp và cải cách hành chính.
Dự thảo Thông tư lần này cũng thể hiện việc chuyển giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc không quy định chi tiết (mẫu bằng như các thông tư hiện hành) về nội dung ghi trên văn bằng mà giao việc đó cho các cơ sở GD-ĐT.