Bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để đối phó với dịch

Bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để đối phó với dịch

Ngừng xuất khẩu 37 thuốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản hỏa tốc tới các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc về việc tạm dừng xuất khẩu 37 loại thuốc nhằm bảo đảm nguồn cung và dự trữ để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, ngày 10/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19: “Trước mắt, tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19”.

Để bảo đảm nguồn cung, có dự trữ thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tạm dừng việc xuất khẩu thuốc theo Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19 kể từ ngày 16/4 cho đến khi có thông báo mới.

Danh sách 37 loại thuốc bao gồm những dược phẩm như andrenalin, morphin, Ivermectin (hàm lượng 3mg, 6mg - thuốc trị giun), paracetamol (thuốc giảm đau, hạ sốt)... Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19 được yêu cầu tạm dừng xuất khẩu có hiệu lực thực hiện từ ngày 16/4 đến khi có thông báo mới.

Danh mục thuốc sử dụng trên được xây dựng trên cơ sở Quyết định 941 ngày 17/3 của Bộ trưởng Y tế về ban hành Danh mục trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của một khu vực điều trị cách ly người bệnh Covid-19 và Quyết định 1344 ngày 25/3 về ban hành chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Chủ động đối phó với Covid-19

Trao đổi với Báo GD&TĐ, một quan chức Bộ Y tế cho biết, quyết định ngừng xuất khẩu 37 loại thuốc này được đưa ra nhằm bảo đảm rằng, Việt Nam luôn ở tâm thế “sẵn sàng” đối phó với dịch bệnh, nếu một trong những loại dược phẩm trên được đưa vào phác đồ điều trị Covid-19.

Chia sẻ về tình trạng một bộ phận người dân tự ý tích trữ và sử dụng thuốc để phòng, chống Covid-19, người này cho biết: “Điều quan trọng nhất là hành động này gây ảnh hưởng đến sinh mệnh của người mua thuốc”.

Theo đó, quan chức này khẳng định, hiện nay chưa có bất cứ loại thuốc đặc trị nào dành cho Covid-19. Do vậy, việc điều trị được đưa ra dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia y tế Việt Nam cũng như thế giới. Tuy nhiên, một số người dân đã tự ý mua thuốc sốt rét để phòng Covid-19, dẫn đến tình trạng ngộ độc. “Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ”, người này nhấn mạnh.

Cũng theo quan chức này, Việt Nam đã lên các phương án để bảo đảm cung ứng đủ dược phẩm trong những trường hợp cần thiết. Người này đồng thời cho biết, Việt Nam có thể tự sản xuất được các loại dược phẩm như thuốc trị giun Ivermectin hay thuốc sốt rét Chloroquine/ hydroxychloroquine... Do vậy, Việt Nam luôn chủ động và có đủ thuốc cần thiết để đối phó với Covid-19, kể cả trong trường hợp ghi nhận nhiều ca bệnh.

Trước đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc trị giun để điều trị Covid-19. Bộ Y tế cho hay, thuốc trị giun Ivermectin đang trong quá trình thử nghiệm điều trị Covid-19 và chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức, người dân không nên tự ý sử dụng.

Ngoài thuốc trị giun này, Bộ Y tế cho biết, một số thuốc như thuốc ARV (điều trị HIV), Cloroquin/Hydrocloroquin (điều trị sốt rét) cũng đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có hướng dẫn chính thức. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi người dân khai báo y tế điện tử và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn nếu có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.