Bảo đảm mọi điều kiện cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2

GD&TĐ - Sáng nay (2/9), các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 của 11 hội đồng thi họp cán bộ làm công tác coi thi. Chiều cùng ngày, thí sinh đến làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế, lịch thi và đính chính các sai sót (nếu có), để sẵn sàng bước vào môn thi đầu tiên (sáng 3/9).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM trong đợt 1. Ảnh minh họa: IT
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM trong đợt 1. Ảnh minh họa: IT

Mọi điều kiện đã sẵn sàng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 có tổng số 26.014 thí sinh của 27 tỉnh/thành chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số tỉnh, thành do số lượng thí sinh quá ít, nên trên cơ sở đồng thuận của học sinh, gia đình, đã gửi thí sinh dự thi ở tỉnh lân cận. Bởi vậy, các thí sinh sẽ dự thi tại 11 hội đồng thi của các tỉnh/thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Đề thi do Bộ GD&ĐT xây dựng, bảo đảm độ khó dễ tương đương với đề đợt 1. Những hội đồng thi ít thí sinh được Bộ GD&ĐT hỗ trợ in sao đề. 360 cán bộ, giảng viên của 14 đại học, học viện, trường đại học được điều động làm nhiệm vụ kiểm tra công tác in sao đề thi, coi thi và thanh tra chấm thi.

Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tổ chức tại địa phương đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Theo đó, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại điểm thi; công tác chuẩn bị coi thi, chấm thi, thanh tra/kiểm tra đã được lên phương án chi tiết nhằm bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi. Các hội đồng thi cũng sẵn sàng các phương án  phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả điểm thi.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các hội đồng thi phải bảo đảm 2 nguyên tắc: An toàn sức khỏe cho tất cả thí sinh, cán bộ, giáo viên tham gia làm thi, phụ huynh học sinh; an toàn an ninh, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế thi. Hội đồng thi của các tỉnh/thành phố chủ động xây dựng phương án cho thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có) trong các ngày thi.

Các thí sinh tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Các thí sinh tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Những lưu ý với thí sinh

Đợt thi thứ 2, dù số lượng thí sinh không nhiều, nhưng mọi quy định đều thực hiện nghiêm như đợt thi đầu tiên; các sai phạm đều bị xử lý theo quy chế. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý điều này, tránh tư tưởng chủ quan. Ngoài nắm quy chế và thực hiện kỷ luật trường thi, thí sinh cũng cần lưu ý thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch khi đến trường thi.

Chiều 2/9, khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh cần mang theo Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy báo dự thi để nhận Thẻ dự thi. Thí sinh phải mang theo Thẻ dự thi trong những buổi thi.

Thí sinh cũng lưu ý thời gian thi, rút kinh nghiệm từ đợt 1, một số thí sinh nhầm giờ phát đề (7 giờ 30 phút với buổi thi sáng, 14 giờ 20 phút với buổi thi chiều) dẫn đến, đến trường thi muộn. Theo quy định, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Mọi khâu bảo đảm an toàn cho thí sinh được thực hiện ở các điểm thi.
Mọi khâu bảo đảm an toàn cho thí sinh được thực hiện ở các điểm thi.

Lưu ý quan trọng tiếp theo, thí sinh phải nhớ số báo danh; ngồi đúng số báo danh khi vào phòng thi; ghi đầy đủ số báo danh, thông tin vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Ghi nhớ các vật dụng được mang, không được mang vào phòng thi, đặc biệt là điện thoại. Dù được phổ biến, nhắc nhở rất kỹ, nhưng ở đợt thi đầu tiên, vẫn có thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi. Ngay cả khi ngồi trong phòng chờ, thí cũng không được sử dụng điện thoại di động hoặc bất kỳ thiết bị liên lạc nào khác. Việc sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị liên lạc trong thời gian này được coi như hành vi vi phạm kỷ luật trường thi, bị lập biên bản và xử lý theo quy chế thi.

Những thao tác kỹ thuật khi bắt đầu làm bài cũng vô cùng quan trọng, vì nếu không lưu ý sẽ ảnh hưởng đến kết quả bài làm. Đơn cử, việc kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in trong đề thi; thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi. Thi sính không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ); bảo quản nguyên vẹn. Với bài thi tự luận, khi nộp bài phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi.

Tương tự đợt 1, trong đợt 2 của kỳ thi vẫn có 5 bài thi, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. 
Lịch thi như sau: Ngữ văn thi 120 phút (sáng 3/9); Toán thi 90 phút (chiều 3/9); bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội - mỗi môn thi thành phần làm trong thời gian 50 phút (sáng 4/9); Ngoại ngữ thi 60 phút (chiều 4/9).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Microsoft Excel có thể ứng dụng thực tế vào nhiều ngành nghề khác nhau. Ảnh: ITN

Tiện nghi là số một!

GD&TĐ - Thân gửi bạn Microsoft Excel! Bạn là một phần mềm máy tính để xử lí dữ liệu một cách cực kì nhạy bén.