Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

GD&TĐ - Nhân văn, thiết thực, bình đẳng cơ hội giáo dục, đó là suy nghĩ của đông đảo người dân khi nghe tin TP Hải Phòng xây dựng dự thảo Đề án và Nghị quyết miễn học phí cho các cấp học trên địa bàn để trình HĐND tại kỳ họp cuối năm 2019.

Miễn học phí tạo cho học sinh có thêm động lực để học tập tốt. Ảnh minh họa/INT
Miễn học phí tạo cho học sinh có thêm động lực để học tập tốt. Ảnh minh họa/INT

Theo dự thảo nghị quyết, học sinh ở các cấp học từ mầm non đến THPT trên địa bàn được miễn 100% học phí theo lộ trình từ năm học 2020 - 2021 (đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS) và từ năm học 2021 - 2022 (đối với học sinh THPT, bổ túc THPT).

Đây là chủ trương nhân văn của thành phố Hải Phòng về việc hỗ trợ học phí đối với con em nhân dân sinh sống và học tập trên địa bàn. Việc làm này sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đây cũng là cách thức đảm bảo bình đẳng cơ hội giáo dục và phát triển quốc gia.

Học phí vốn là khoản tiền mà phụ huynh phải nộp cho nhà trường theo quy định trong quá trình con em mình học tập. Đối với HS gia đình còn nhiều khó khăn, điều kiện để người dân duy trì cuộc sống và trang cấp những điều kiện tối thiểu cho con đi học còn hạn chế. Tình trạng một số học sinh ở các bậc học cao hơn, khi không được miễn học phí, phải bỏ học giữa chừng là không ít. Do đó, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS đặc biệt khó khăn đến trường, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã phát triển, việc miễn học phí đồng bộ từ bậc học mầm non đến phổ thông thể hiện sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục của Đảng và Nhà nước, của ngành Giáo dục. Hơn nữa, miễn học phí sẽ không chỉ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp mà còn tạo công bằng xã hội trong giáo dục, an sinh xã hội.

Việc làm nhân văn này cũng thể hiện tính ưu việt của chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho phổ cập GD. Bởi mọi trẻ em đều được đến trường. Đó là một điều tuyệt vời mà nhiều nước trên thế giới quan tâm đến giáo dục trẻ em. Có nhiều người cho rằng, nếu chính sách này được áp dụng rộng rãi trên cả nước sẽ tạo cho học sinh có thêm động lực để học tập tốt.

Điều này cũng được thể hiện trong Luật Giáo dục sửa đổi 2019. Để thực hiện phổ cập giáo dục cấp THCS, từ sau năm 2020, Chính phủ sẽ có lộ trình áp dụng miễn học phí cho học sinh THCS công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh các cơ sở giáo dục tư thục. Với phụ huynh, đó là một chính sách đúng đắn. Miễn học phí sẽ là một cách tiếp cận thực sự trọn vẹn với việc học tập, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của trẻ em ở lứa tuổi này.

Tuy nhiên, trước thông tin miễn học phí, nhiều phụ huynh băn khoăn “Liệu miễn học phí thì có phát sinh phụ phí?”. Hiện nay, theo luật, học sinh tiểu học được miễn học phí. Thế nhưng, hầu hết phụ huynh có con học ở cấp tiểu học đều ít khi nào nhận ra điều này vì hàng tháng họ vẫn phải đóng một khoản tiền không nhỏ với rất nhiều loại “học phí” khác.

Để hạn chế tình trạng lạm thu, thành phố cần phải có những quy định cụ thể, miễn học phí đi liền với giám sát tài chính, thu chi trong trường. Đồng thời có quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn với những khoản thu ngoài học phí, tránh trường hợp các trường vận dụng không đúng dẫn đến lạm thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ