Bảo đảm an toàn vệ sinh nước và thực phẩm sau lũ

GD&TĐ - Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, không ít người phải nhập viện cấp cứu do các tai nạn liên quan đến bão.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện E do chấn thương sau bão. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện E do chấn thương sau bão. Ảnh: BVCC

Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, không ít người phải nhập viện cấp cứu do các tai nạn liên quan đến bão. Theo các chuyên gia, việc phòng bệnh sau bão, lũ là vô cùng quan trọng, bao gồm chú ý vệ sinh nước và an toàn thực phẩm.

Hàng loạt trường hợp nhập viện sau bão

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 2 ngày 6 và 7/9, tua trực của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động. Cụ thể, trong đó có 1 trường hợp bị cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 2 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ô tô, xe máy khi đang tham gia giao thông “vượt bão về nhà”.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ chiều tối 7/9 đến sáng 8/9, Trung tâm Cấp cứu A9 đã tiếp nhận 10 bệnh nhân bị thương sập nhà, đổ mái và bị cây đổ ngoài đường do ảnh hưởng của bão số 3.

Những bệnh nhân này sau khi chuyển đến đều được cấp cứu kịp thời. Trong số 5 bệnh nhân vào viện lúc rạng sáng 8/9, hai trường hợp nặng bị chấn thương vùng đầu, vùng cổ do mái tôn rơi xuống người và bị ngã từ trên cao.

Tại Bệnh viện E (Hà Nội), trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ đã tiếp nhận tổng cộng 36 ca cấp cứu. Trong đó, có 16 ca cấp cứu ngoại khoa (10 trường hợp cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3) và 20 ca cấp cứu nội khoa.

Một trong những trường hợp nặng đêm 7/9 được các bác sĩ Bệnh viện E tiếp nhận là người bệnh N.V.S. (Hà Nội). Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau vai trái…, được chẩn đoán chấn thương sọ não vỡ xương trán, máu tụ ngoài màng cứng.

Trước đó, trong lúc mưa bão, người bệnh bị tai nạn ngã từ trên cao xuống khi đang cố gắng gia cố mái tôn. Một trường hợp khác nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng da đầu do trong lúc bão lớn bị mái tôn công trình rơi vào đầu.

Sau cơn bão số 3, ngày 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Đáng chú ý, có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch. Hiện tại, các bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Y học biển Việt Nam (tại Hải Phòng) để tiếp tục điều trị.

Ba trường hợp khác là trẻ nhỏ trong gia đình (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) nhập viện với tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO do máy phát điện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy.

Lưu ý vệ sinh nước và an toàn thực phẩm

Không chỉ nhiều trường hợp gặp thương tích sau bão, theo các chuyên gia, bão lũ xảy ra còn gây ô nhiễm về môi trường. Từ đó, khiến virus, vi khuẩn phát sinh, phát triển, bệnh truyền nhiễm gia tăng.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), sau lũ lụt, sẽ vô cùng khó để có nguồn nước sạch, ngay kể cả nguồn nước máy cũng không đảm bảo sạch. Trong khi đó, nước là tác nhân gây bệnh đầu tiên và quan trọng nhất.

Nếu phải dùng nước mặn, khi uống phải kết tủa, khử trùng hoặc đun sôi từ 5 – 10 phút. Có thể dùng các biện pháp như thêm 12 gam phèn chua, hoặc 1 - 2 gam bột tẩy trắng vào 100 kg nước sau khi khuấy đều, để có thể khử trùng sau khi kết tủa.

Đối với khử trùng giếng bị ngập nước, đầu tiên, cần rút nước ở giếng để loại bỏ phù sa. Sau khi nước sạch chảy ra từ giếng đạt đến mực nước bình thường, thêm 150 - 200 gam bột tẩy trắng chứa 25% clo cho mỗi mét khối nước, ngâm trong 12 đến 24 giờ rồi tháo hết nước. Sau khi lượng nước thấm tự nhiên đạt đến mực nước bình thường, thêm bột tẩy trắng với tỷ lệ 10 - 20 gam trên một mét khối là có thể uống được.

Bác sĩ Phúc lưu ý, người dân không ăn thực phẩm và ngũ cốc đã bị ngâm trong nước, bị ngâm chua, mốc. Thực phẩm làm từ ngũ cốc không sạch cũng không thể ăn được. Không ăn gia súc, gia cầm chết do lũ lụt. Hầu hết cá, tôm, sò chết dưới nước đều bị nhiễm độc, không thể ăn được.

Đồng thời, cần phun hóa chất và các phương pháp khác để diệt côn trùng, muỗi, ruồi và chuột, đồng thời làm lưới chắn ruồi để ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm.

Phải tăng cường quản lý y tế công cộng. Rác thải sinh hoạt trong các khu tạm trú phải được dọn dẹp kịp thời, xử lý phân đúng cách và phun nước vôi hoặc formalin vào môi trường xung quanh để khử trùng.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa và thay quần áo thường xuyên, phơi khô khăn trải giường kịp thời và tăng cường thông gió ở những nơi tạm trú. Khi có bệnh, phải tìm cách chữa trị kịp thời và thực hiện tốt việc cách ly để tránh lây nhiễm lẫn nhau ở nơi đông đúc.

Những dịch bệnh sau lũ bao gồm bệnh tiêu chảy, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm. Do đó, người dân cần có kiến thức phòng tránh những bệnh này.

Bên cạnh đó, sau những ngày mưa bão, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng để tránh rủi ro về sức khỏe. Viện Y học Ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, người dân cần vứt bỏ thực phẩm dễ hư hỏng không được bảo quản lạnh hoặc không đông lạnh đúng cách do mất điện, thực phẩm có thể đã tiếp xúc với nước lũ hoặc nước mưa, thực phẩm có mùi, màu hoặc kết cấu khác thường.

Đồng thời, cần bỏ một số thực phẩm như: Đựng trong bao bì không chống nước, đựng trong hộp các tông, bao gồm cả hộp đựng nước trái cây/sữa/sữa bột trẻ em, thực phẩm đóng hộp hoặc hộp đựng thực phẩm bị phồng, hở hoặc bị hư hỏng.

Người dân cần lưu ý đóng cửa tủ lạnh và tủ đông càng nhiều càng tốt khi mất điện. Tủ đông đầy sẽ giữ thực phẩm an toàn trong 48 giờ (24 giờ nếu đầy một nửa) mà không cần nguồn điện nếu người dùng không mở cửa. Tủ lạnh sẽ giữ thực phẩm an toàn trong tối đa 4 giờ mà không cần nguồn điện nếu người dùng không mở cửa. Do đó, cần vứt bỏ tất cả thực phẩm dễ hỏng (bao gồm thịt, gia cầm, cá, trứng và thức ăn thừa) trong tủ lạnh khi mất điện từ 4 giờ trở lên. Tất cả thực phẩm dễ hỏng trong tủ đông nếu đã được rã đông cũng cần được vứt bỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thức ăn ướt Pate Tellme 130g