Báo cáo của Bệnh viện 1A về việc bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực

GD&TĐ - Phía Bệnh viện 1A cho rằng, nữ bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực có dấu hiệu ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử lý hồi sức tích cực. Hiện vụ việc đang đợi kết quả giám định pháp y.

Khoa phòng chức năng tại Bệnh viện 1A, nơi xảy ra sự cố sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Hà Nội Mới.
Khoa phòng chức năng tại Bệnh viện 1A, nơi xảy ra sự cố sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Hà Nội Mới.

Phía Bệnh viện 1A (quận Tân Bình) đã có những thông tin chính thức cho biết sự việc đã được báo cáo gửi Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

Phía Bệnh viện 1A cho rằng, chị N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) bị thiểu sản ngực (ngực nhỏ) 2 bên, có yêu cầu phẫu thuật tạo hình ngực và được bác sĩ Nguyễn Văn Thiết giới thiệu đến Bệnh viện 1A (còn gọi là Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. HCM) khám thực hiện phẫu thuật.

Bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu theo quy trình của bệnh viện. Phương pháp điều trị là phẫu thuật tạo hình ngực bằng túi gel; phương pháp vô cảm là gây mê nội khí quản.

Theo Bệnh viện 1A, Bác sĩ Nguyễn Văn Thiết, có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp bổ sung phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Bác sĩ gây mê hồi sức là Võ Văn Tuấn, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức. 2 bác sĩ nói trên đều có hợp đồng lao động với Bệnh viện 1A.

Cũng theo báo cáo của Bệnh viện 1A, bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử trí hồi sức tích cực theo đúng quy trình. Hiện vụ việc đang đợi kết quả giám định pháp y của cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình.

Trước đó, theo thông tin phản ánh trên báo chí, khoảng 11h30 ngày 18/3, chị N. được phẫu thuật nâng ngực theo lịch hẹn. Vài tiếng sau, người nhà không thấy chị N. nên hỏi bác sĩ thì bác sĩ trả lời bệnh nhân được gây mê, chưa tỉnh.

Đồng thời, từ chối yêu cầu được nhìn mặt hoặc gặp bệnh nhân. Khi đó, người thân chị N. rất lo lắng và nghi ngờ có vấn đề nghiêm trọng.

Một lúc lâu sau, bệnh viện điện thoại cho vào nhưng vẫn không thông báo tình trạng, không cho gặp chị N.

Chị T., em của chị N. bức xúc, gia đình phải tự đi tìm phòng mới phát hiện được nơi chị N. đang nằm, nhưng chị N. đã tử vong trước khi được tìm thấy.

Gia đình nạn nhân cho hay, chị N. có tiền sử bị hen suyễn, vừa khỏi Covid-19 khoảng 3 tháng, huyết áp thấp. Tuy nhiên, bác sĩ đã khám và khẳng định đủ điều kiện phẫu thuật.

Ngoài ra, từ lúc xảy ra sự việc đến khuya 18/3, gia đình chị T. vẫn chưa gặp được lãnh đạo bệnh viện hoặc có lời hỏi thăm nào.

Chị T. cho hay, điều khiến gia đình bức xúc hơn là sự việc đau lòng chưa được làm rõ, nạn nhân còn chưa được lo hậu sự, bệnh viện lại yêu cầu đóng đầy đủ viện phí.

“Bệnh viện yêu cầu chúng tôi đóng tiền mới cho đưa thi thể về. Làm sao chết người rồi còn bắt đóng tiền nữa, như vậy có quá đáng không?”, chị T. nói.

Gia đình cho hay, bác sĩ phẫu thuật cho chị N. tên Th., do người quen giới thiệu. Sau khi tư vấn và được chị N. yêu cầu "chọn ngày đẹp", bác sĩ Th. lên lịch mổ vào thứ 6 (ngày 18/3) tại Bệnh viện 1A. Phía chị N. đã chuyển khoản ứng trước 40 triệu đồng cho bác sĩ Th.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.