Bánh kẹo giả “âm thầm” lên kệ

GD&TĐ - Những tưởng bánh kẹo giả, kém chất lượng, nhái thương hiệu dễ thâm nhập nhất tại các kênh bán lẻ của các vùng quê. Nhưng thực tế lại đang cho thấy, những mặt hàng bị làm giả này đang ngày càng có “đất sống” tại các thành phố, đô thị, với nhiều thủ đoạn làm giả tinh vi để qua mắt cả cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng (NTD).

Bánh kẹo giả “âm thầm” lên kệ

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Cầm trên tay gói bánh Choco - Pie bị làm giả, chị Nguyễn Thị Na ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Loại bánh này tôi vẫn mua thường xuyên cho con gái. Tuy nhiên chỉ một phút lơ là tôi đã mua phải sản phẩm bị làm giả. Bởi sản phẩm tôi mua chỉ khác một chút ít ở tên sản phẩm và nhà sản xuất – tên của sản phẩm giả là ChocoPai, còn mới nhìn qua thì mẫu mã, thành phần y hệt như sản phẩm chính hãng Choco - Pie”. Đáng chú ý, loại bánh làm nhái của thương hiệu Choco - Pie mà chị Na mua này đã được bày bán trên kệ của một cửa hàng khá lớn nằm ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Hay như trường hợp của cô Nguyễn Thị Dung – 68 tuổi ở Thanh Xuân Bắc (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vậy. Cô Dung chia sẻ, dịp Tết vừa qua, cô được người cháu biếu tặng hộp bánh Custard. Nhìn qua thì mẫu mã, tên gọi y hệt như sản phẩm chính hãng, nhưng khi bóc ra dùng, cô Dung mới ngỡ ngàng khi hương vị của loại bánh này quá tệ. “Xem kỹ lại một lần nữa, tôi mới phát hiện ra dù tên gọi, mẫu mã giống hệt nhau nhưng nhà sản xuất lại khác nhau. Điều này cho thấy, hộp bánh mà tôi đang dùng đã bị làm giả một cách rất tinh vi mà người mua rất khó phát hiện” – cô Dung phàn nàn.

Đáng chú ý hơn nữa là ngay cả các sản phẩm nhập khẩu cũng bị NTD phản ánh là bị làm giả rất nhiều. Hiện nay, trên thị trường kinh doanh bánh kẹo ngoại rất phong phú và đa dạng, xuất xứ từ nhiều nước như: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Bỉ, Nhật... Giá của những sản phẩm nhập khẩu này cũng cao hơn giá bánh kẹo trong nước. Đặc biệt là các dòng bánh cao cấp như Peperidge Farm, Danisa, Arcor, Roshen, Kalfany, Meiji... Vì thế, những loại bánh này đã có hàng nhái tại thị trường Việt Nam với nhãn mác hàng Trung Quốc hoặc hàng sản xuất tại một số làng nghề gia công bánh kẹo ở Việt Nam, giá thường chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 hàng xịn. Thậm chí với các sản phẩm trên, giá bán tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mà nhiều đại lý đưa ra chỉ bằng phân nửa của sản phẩm chính hãng.

Hơn nữa, ngay cả bánh kẹo xách tay cũng bị làm giả. Qua khảo sát cho thấy, ở nhiều địa chỉ chuyên bán hàng xách tay, nhờ mác hàng chính hãng, bánh rởm có giá cao hơn hẳn và chỉ rẻ hơn hàng xịn vài ba chục ngàn đồng/hộp.

Thật giả khó phân

Thực tế, để nhận rõ đâu là hàng thật, hàng giả không chỉ là chuyện khó đối với NTD, mà ngay cả cơ quan quản lý cũng tỏ ra “bối rối”. Theo ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thực tế cơ quan chức năng rất khó có thể phân biệt được hàng thật và hàng giả, vì chúng được sản xuất khá tinh vi, phần trăm giống hàng thật tương đối cao.

Hơn nữa, hàng giả không chỉ được sản xuất ở trong nước, mà còn được nhập khẩu từ nước ngoài. Chính vì vậy, mà chỉ có các doanh nghiệp (DN) mới có khả năng nhận diện một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, giữa DN và cơ quan Nhà nước lại chưa có sự liên kết chặt chẽ nên hàng giả vẫn xuất hiện một cách rộng rãi. Đặc biệt, những hàng hoá này sau khi trà trộn vào thị trường lại tiếp tục được “hợp pháp” bằng... tem giả khiến NTD không thể nào phân biệt, trừ khi bóc ra trực tiếp dùng thử.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu, trên mạng Internet, một số công ty in ấn mời chào mua tem chống hàng giả. Chi phí để in một con tem chống hàng giả có giá từ 200 – 400 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với việc làm giả một chai rượu ngoại, một bao thuốc lá... Vì vậy, tội phạm thường in tem giả, hay dùng chính tem chống hàng giả của các đơn vị được phép phát hành để dán vào hàng giả.

Theo ông Kiên, các sản phẩm dạng này rất khó có thể khẳng định chúng là hàng giả. Bởi các sản phẩm đều có tên, địa chỉ nhà sản xuất, các mẫu mã sản phẩm tuy na ná các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn có sự khác biệt, dù rất nhỏ, có khi chỉ là một chữ, một từ. Vì vậy, bản thân các DN bánh kẹo lớn cũng khó có cơ sở phản ứng, khởi kiện.

Bên cạnh đó, thông tin từ cơ quan chức năng cũng cho hay, một số mặt hàng bánh kẹo cao cấp bị làm giả bằng cách mua sản phẩm gần hết hạn sử dụng ở nước ngoài đưa về Việt Nam, sau đó thay đổi bao bì mới, in hạn sử dụng mới, bán với giá rẻ hơn 20 – 40% giá sản phẩm tên chính hãng...

Xuân HuyCác chuyên gia khuyến cáo, hơn ai hết NTD nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ