Gian nan giữ nghề
Nghề làm bánh ép gắn với chị Kiều từ thuở mới lấy chồng. Buổi đầu, cũng như nhiều phụ nữ khác ở phố biển này, chị buôn thúng bán nia, làm một gánh bán bánh ép di động ở khu vực Trấn Hải Thành (thị trấn Thuận An) bán dạo cho thực khách ở bãi biển.
Năm 1989, chị sinh con trai đầu lòng, “nghiệp” làm bánh ép đành bỏ dở vì con nhỏ, cuộc sống chật vật. Chị tâm sự: “Hồi đó làm bánh cơ cực lắm, củi than khói nghi ngút.
Nghỉ từ năm đó cho đến năm 2003, khi con cái lớn, chồng mình có nghề thợ mộc ổn định, mình mới trở lại nghề. Nhưng mà nghĩ, không lẽ cứ làm gánh bán dạo mãi, nếu làm bánh ngon thì dù ở nhà hay ở quán đều có khách đến thường xuyên.”
Dự định thế, rồi chị cũng “đánh liều” sắm khuôn, dụng cụ để trở lại với nghề. Buổi đầu cũng chỉ bán cho khách trong thôn xóm làng. Lâu dần, không chỉ người quen ở thị trấn biết đến hương vị bánh ép của chị mà thực khách, chủ yếu là các bạn trẻ từ trên thành phố cũng về quán chị Kiều thưởng thức.
Nói là quán cho nó “sang” chứ chị tận dụng hiên nhà, một góc bếp vừa ép bánh vừa dùng làm chỗ ngồi cho thực khách. Trong không gian không lấy gì làm sang trọng ấy, thực khách vẫn không thấy phiền lòng vì họ đến đây chỉ để thưởng thức hương vị bánh đặc trưng do bàn tay chị Kiều chế biến.
Bánh ép khô còn nguyên trên lò than |
Vừa ngồi trò chuyện, đôi tay chị Kiều thoăn thoắt trên 4 chiếc khuôn đảo liên tục với ngọn than hồng sáng rực chị bảo: “Ngày thường thì chỉ mình tui với con gái thôi.
Tui ép bánh, con gái thái rau, bưng bê bánh cho khách. Còn những dịp tết, ngày lễ như những bữa ni thì khách về liên tục, cả gia đình huy động đến 6 lao động mới làm hết việc.’’
Theo ước tính của chị, mỗi ngày chị bán khoảng 3.500 bánh ép khô và ướt tương đương 20kg bột cho trên dưới 400 lượt khách trong và ngoài nước đến với quán.
Có ngày cao điểm, lượng khách đến nhiều, chị phải huy động thêm những chị em làm bánh ép ở bãi biển vào phụ thêm. Giới thiệu một chút về sản phẩm của mình, chị cho biết:
“Bánh ép có hai loại, bánh ép khô và ướt. Bánh khô nguyên liệu đơn giản hơn gồm bột lọc nhân thịt ba chỉ ướp gia vị; bánh ướt thì có thêm trứng hoặc bò khô tùy theo yêu cầu của khách.
Ngoài ra, bánh còn ăn kèm với rau răm, chua ngọt, nước mắm…Nói chung, bánh thì nguyên liệu nơi nào làm cũng giống nhau chỉ khác nhau cách ép bánh và nêm gia vị mà thôi. Đó là bí quyết.”
Đưa bánh ép đi Tây
Quán bánh ép chị Kiều không chỉ là điểm đến của dân thành phố xa ngái mà còn là địa chỉ lui tới của những du khách phương tây dạo xe đạp từng đoàn quanh phố biển.
Chị cho biết, nhiều khách nước ngoài khi trở lại biển Thuận An vẫn ghé quán chị một lần nữa để thưởng thức bánh ép. “Mình buôn bán mà khách nhớ rứa là vui rồi”- Chị bộc bạch.
Vừa trở về sau chuyến đi dài ngày, chị Đặng Thị Xuyến, Việt kiều Singapore, tâm sự: “Mỗi lần về Huế mình đều ghé quán bánh chị Kiều. Bánh ép ở đây rất ngon. Mình gốc ở Huế nên mỗi lần về ghé ăn bánh ép chị Kiều cho đỡ nhớ quê hương”.
Ngoài bán cho khách trong và ngoài nước đến quán ăn, chị Kiều còn đặt làm bánh, cho những người có người thân ở nước ngoài mang bánh “xuất ngoại”.
Thị trường chị đưa bánh sang thường là các nước Mỹ, Úc, Canada, Singapore và Hồng Kông. “Mỗi lần có người thân về nước hay bên đó có yêu cầu, họ chạy lên quán đặt mua từ 3-5 kg bánh khô, vài chục nghìn cái bánh ướt giá 1-2 triệu đồng, gửi đường hàng không ra nước ngoài. Các nước gửi chủ yếu là bánh khô, riêng gửi đi Hồng Kông thì mới gửi được bánh ướt”- Chị thổ lộ.
Bánh ép chị Kiều luôn có một sức hút đặc biệt đối với học sinh, sinh viên viên Huế |
Một chút “bật mí” với nghề, chị cho hay: “Thực khách nước ngoài thường khó tính nên bánh mình làm thường có cách ép riêng, không lẫn với ai được.
Mình ép đều bánh tráng, làm cho bánh giòn, nếu không đều bánh sẽ dai, nhanh hỏng, không gửi đi đường xa được. Cái khác của mình là ép rất kỹ, ép khô nhưng gia vị không bị cháy mà thấm đều.
1 kg bột mình ép được 30-40 cái trong một giờ đồng hồ. Trong khi các nơi khác người làm ép nhanh quá, bánh khô không đều, không giòn vì thế không ngon được. Trong các gia vị mình cũng có cách nêm riêng, vừa miệng khách ăn mới “nhớ” lâu lận”.
Ngồi lật bánh cho khách, chị kể tiếp: “Rồi rau kèm theo mình sử dụng rau răm. Rau này ăn kèm sẽ không tạo cảm giác ngấy trong miệng, giúp khách ăn ngon và có lợi cho tiêu hóa”.
Ngoài ra, quá trình làm bánh chị Kiều làm hoàn toàn tự nhiên, không dùng bất cứ một chất bảo quản nào, vì thế thực khách rất an tâm. Đến nay, cứ đều đặn hàng tuần, chị phải đóng những “kiện hàng” là bánh ép để những người có nhu cầu đến nhận gửi đi nước ngoài.
Có một điều mà nhiều thực khách trong và ngoài nước nhớ đến quán của chị là dù khách tây hay ta, chị vẫn lấy một giá duy nhất: 2 nghìn đồng/bánh khô và 1,5 nghìn đồng/bánh ướt. Dù có mua nhiều hay ít.
Một số hình ảnh về bánh ép chị Kiều: