Bánh đúc quê nhà

GD&TĐ - Chỉ là thấy trời mưa, nó buột miệng nhắc về bánh đúc mà sao mẹ nghe thấy rồi sớm mai vội tới chợ.

Ảnh: Quốc Bình.
Ảnh: Quốc Bình.

Chỉ là thấy trời mưa, nó buột miệng nhắc về bánh đúc mà sao mẹ nghe thấy rồi sớm mai vội tới chợ. Những miếng bánh đúc săn chắc, lác đác hạt lạc, có màu thẫm do vỏ lạc đỏ phôi ra. Bố kêu, cải tiến thế này khiến khó cảm nhận được chút nồng của vôi.

Mẹ thì rủ rỉ, theo cách nấu truyền thống, ngoài bột gạo tẻ và thêm chút muối, mắm thì nước vôi trong luôn là thành phần đặc biệt quan trọng để tạo nên bánh đúc. Vì ngoài việc tỏa hương vị khác biệt thì còn là nhờ loại nước này bánh mới có độ dẻo, dai. Hướng ánh mắt xa xăm, mẹ nhớ về ông nội hay chia quà bánh đúc.

Mỗi lần có điều kiện về thăm quê, ông lại nhờ mẹ lên nhà cụ Dung trên Giành mua tấm bánh đúc có giá vài đồng. Rồi ông chia đều cho con cháu, chỉ dành cho mình miếng nhỏ và cười hiền vui.

banh duc que nha (1).jpg
banh duc que nha (3).jpg
banh duc que nha (4).jpg
Ảnh: Quốc Bình.

Giữa lúc nó mắt tròn nghe chuyện, bố mách thêm: Nhà cụ Dung có mấy đời bán bánh đúc, nổi tiếng khắp vùng này. Giờ con gái bà vẫn bán mỗi chiều ở ngay đầu đường đến chợ Giành.

Chỉ cần nghe vậy là ngay chiều đó nó đạp xe lên Giành sà vào quầy bánh đúc của con gái cụ Dung năm nay cũng đã ngoài 70. Gọi là quầy cho “oách” chứ đó chỉ là chiếc bàn nhựa nhỏ bày mâm bánh đúc bên đường đi.

Chỉ là bột gạo nấu cùng nước vôi trong và nêm chút gia vị chứ không thêm lạc hay thịt phi hành, thế mà từng gói bánh đúc được cắt hình thoi ở đây cứ nối tiếp được khách qua đường chờ mua. Vậy đấy, cái vị thuần túy, thanh lành gợi ký ức năm xưa của bánh đúc quê nhà được bao người đón nhận như thế!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ