Băng rừng, vượt sông mùa lũ đi học chữ

GD&TĐ - Mỗi buổi tối, tiếng đánh vần ”ê, a" tại các bản vùng cao lại vang lên, nhưng không phải của con trẻ mà từ các bố, các mẹ thậm chí là ông, bà.

Băng rừng, vượt suối đi tìm con chữ.
Băng rừng, vượt suối đi tìm con chữ.

Lớp học giữa núi rừng

Đều đặn các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, lớp học xoá mù chữ tại nhà văn hóa thôn Khuổi Mè và Bản Mè, xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vang lên những tiếng đọc ê a.

Giống như các lớp học xoá mù chữ khác, lớp học ở thôn Khuổi Mè và Bản Mè đa dạng về độ tuổi học viên. Người cao tuổi nhất là 60 thấp nhất là 38 tuổi. Đa phần trong số họ là trụ cột chính của gia đình, luôn bận bịu với ruộng, vườn, nương, rẫy… Có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến con chữ.

Họ đều mong được biết đọc, biết viết, biết tính toán. Dù khuôn mặt ngượng nghịu, đôi tay vụng về, nét chữ nguệch ngoạc, hằn lên những vất vả của cuộc sống mưu sinh, nhưng ai nấy đều rất hăng say học tập.

Thầy giáo Hứa Văn Mười, giáo viên trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lớp học được tổ chức tại nhà văn hoá 2 thôn Khuổi Mè và Bản Mè với 30 học viên và 100% đều là dân tộc Nùng. Lớp học được tổ chức dạy ngay từ đầu tháng 7/2024. Lịch học là học cả ngày 8 tiết/ ngày. Nhưng vào mùa vụ như vừa rồi lớp thống nhất học buổi tối và giao bài về nhà làm.

Các học viên rất tích cực đến lớp để học chữ.jpg
Các học viên rất tích cực đến lớp để học chữ.

Các anh chị học viên đa số là người nhiều tuổi và chưa biết viết và tính toán chậm. Nói tiếng phổ thông rất hạn chế vì vậy giáo viên lên lớp phải là người đồng bào dân tộc để nhanh chóng hoà nhịp với bà con hơn.

Tuy nhiên, khó khăn và trở ngại nhất đó chính là do địa điểm học nằm giữa 2 thôn ở 2 bên bờ sông, chính vì vậy học viên đi học phải qua sông, khi mưa nước sông lên phải nghỉ học vì chưa có cầu đi lại.

Ở cái tuổi đã lên chức bà, chị Lộc Thị Ngân (SN: 1978) người dân tộc Nùng, trú tại thôn Bản Mè, xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn không quản ngại nhà xa, đều đặn ngày ngày tới lớp học.

Vừa cầm bút viết chữ, chị Ngân vừa chia sẻ với chúng tôi: "Trong thôn giờ nhiều người biết đọc, viết, tính toán, mình không biết thì lạc hậu lắm. Sau một thời gian theo học lớp xoá mù chữ, tôi có thể viết tên và đọc, viết một số từ đơn giản khi làm các thủ tục hành chính mà không cần điểm chỉ như trước nữa. Tôi vui lắm. Hy vọng sau lớp học tôi sẽ biết đọc, viết, tính toán thành thạo".

Tương tự như chị Ngân, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, trường ở xa nên hơn 50 tuổi, anh Hoàng văn Quảng (SN: 1972) người dân tộc Nùng, ở thôn Bản Mè, xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia mới được đi học.

Bao năm mong muốn thoát khỏi cảnh mù chữ giống như nhiều người, nhưng vì những lo toan của cuộc sống nên ước muốn của anh cứ thế trôi đi. Được cán bộ xã cùng các thầy cô giáo trường PT DTBT Tiểu Học Yên Lỗ, đầu tháng 7/2024 khi lớp học xoá mù chữ được mở tại Nhà văn hóa thôn Bản Mè, anh Quảng đã đăng ký theo học.

Tối tối mặc dù phải lội qua sông, vượt đường rừng vất vả nhưng anh Quảng vẫn say sưa cầm sách tới lớp để có được con chữ, cái số, thỏa mong ước bấy lâu và cũng là để không còn lạc hậu nữa. Trong những giờ lên lớp của anh luôn có sự đồng hành, sát cánh, động viên các thầy cô.

Mang ánh sáng tri thức đến với đồng bào vùng cao

Những lớp học xoá mù chữ ở xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia có đông đủ học viên đi học là nhờ sự vận động kiên trì, bền bỉ, không quản ngại khó khăn và sự giảng dạy tận tình của nhiều giáo viên. Dù đường xa phải đi xe máy, dù phải dạy tối, nhưng những thầy, cô giáo vẫn cần mẫn ngày ngày đến lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng cao.

Thầy Lâm Văn Vản, Phó Hiệu trưởng trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Gia và các cấp các ngành trong xã, các lớp dạy xoá mù chữ đều có sở vật chất tương đối đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên, học viên. Giáo viên giảng dạy là những thầy cô có chuyên môn vững, nhiệt tình, khả năng dân vận tốt, giao tiếp được bằng tiếng dân tộc. Học viên được cấp phát đồ dùng học tập tương đối đầy đủ.

Con đường đến lớp các học viên phải băng rừng, lội sông để đi tìm con chữ.jpg
Con đường đến lớp các học viên phải băng rừng, lội sông để đi tìm con chữ.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như: Học viên 100% là người dân tộc thiểu số đa phần là lao động chính trong gia đình, chủ yếu làm nông nghiệp ngày đi làm tối lại tranh thủ đến lớp, giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn nhiều hạn chế.

Địa điểm mở lớp ở tại các điểm trường cách Trung tâm xã trên 7km, xã có 2 lớp ở bên kia sông đó là lớp ở 2 thôn Khuổi Chặng - Khuổi Cọ và lớp ở 2 thôn Bản Mè - Khuổi Mè nên học viên đi học phải qua sông không có cầu phải chèo bè mảng vượt sông đến lớp trong mùa mưa lũ.

Giáo viên lên lớp chủ yếu là người ngoài địa bàn xã, mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè nhưng các thầy cô vẫn phải thu xếp công việc gia đình để vào trường dạy học và ngủ lại tại trường.

Cũng theo thầy Vản, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong dạy và học lớp xoá mù chữ nhưng các thầy cô giáo và các học viên rất nhiệt tình tham gia đầy đủ các buổi học tính đến thời điểm hiện tại 3 lớp xoá mù chữ trên địa bàn xã đã học gần hết học kì 4 của giai đoạn 2 năm 2024.

Vừa qua, ngày 2/8/2024 Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt cho học viên xoá mù chữ năm 2024 tại cụm số 3, Yên Lỗ có 9 học viên tham gia thi, kết quả có 5 học viên đạt giải khuyến khích, 4 học viên được giấy chứng nhận tham gia giao lưu ngày hội.

Các lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và những nỗ lực xóa mù chữ của các thầy cô giáo tại huyện vùng cao Bình Gia đã và đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, miền núi còn nhiều khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...