Có trường hợp, giáo viên phải đến nhiều lần, tìm cách liên lạc, khéo léo vận động HS trở lại lớp học. Khó khăn, gian khổ là vậy, thế nhưng khi tâm sự về nghề dạy học, những người giáo viên vẫn luôn thể hiện niềm lạc quan, tấm lòng luôn chất chứa niềm yêu thương đối với con em HS đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây.
Ấm áp nghĩa tình thầy trò vùng cao
Trường THCS Trà Phong (xã Trà Phong, huyện Tây Trà) nằm chênh vênh bên sườn núi. Chưa có nhà công vụ, giáo viên nơi đây phải sinh sống trong những căn nhà tạm tranh tre, nứa lá. Mỗi người mỗi quê. Có người ở tận huyện Ba Tơ, Bình Sơn, gần hơn là huyện Trà Bồng. Cái khó, cái khổ như càng gắn kết họ với nhau, cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi vùng rẻo cao, sẵn sàng “chia ngọt, sẻ bùi” với lũ học trò nghèo bất cứ lúc nào.
HS trong trường đa phần có hoàn cảnh gia đình nghèo. Nhiều em cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, thế nên chuyện đến trường của nhiều em nhỏ còn thật sự gian nan. Thầy giáo Vũ Tiến Lâm – Hiệu trưởng Trường THCS Trà Phong - cho biết: Ở nơi đây, HS thường xuyên phải đối diện với nguy cơ bỏ học, thế nên, được đến trường đã là niềm vui lớn của rất nhiều em nhỏ.
Năm nào cũng vậy, ngoài thời gian trong năm học, mỗi dịp Tết đến, giáo viên nhà trường đều dành dụm, trích lương mua quần áo tặng cho HS. Những bữa cơm, những tấm áo, chiếc quần ấy mang một ý nghĩa tinh thần, tình cảm khó có thể đong đếm được. Bởi nói như lời tâm sự của thầy Phạm Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, những món quà đó không giúp HS thoát khỏi nghèo khó, vất vả nhưng nó như một làn gió ấm giúp HS vùng cao vượt qua những ngày đông giá rét, động viên các em gắn bó với mái trường và thắp thêm niềm tin vào cuộc sống tương lai.
Nói về điều kiện trường lớp, thầy Vũ Tiến Lâm chia sẻ: Lãnh đạo ngành GD&ĐT địa phương thường hay nói, muốn biết những khó khăn của ngành GD&ĐT huyện miền núi Tây Trà thì chỉ cần đến thăm Trường THCS Trà Phong. Ngôi trường gánh trên mình những khó khăn đặc thù của các trường học trên địa bàn, với gần 100% là con em đồng bào dân tộc Cor.
Trường THCS Trà Phong nằm nơi ngã ba của ba xã vùng khó Trà Phong, Trà Quân và Trà Khê, chính vì thế HS đang học tại trường cũng trải rộng trên địa bàn 3 xã. Cơ sở vật chất nhà trường được hình thành từ sự chắp vá. Thầy Lâm cho biết: Trường THCS Trà Phong mới được thành lập cách đây 8 năm, nhưng đến nay hệ thống cơ sở vật chất vẫn chưa được hoàn thiện. Phòng học thì thiếu thốn, tạm bợ, chưa có hệ thống phòng chức năng. Hầu hết giáo viên đang ở trong các căn nhà dựng tạm và ở nhờ trong nhà dân tại các điểm trường.
Việc thành lập trường là nhằm thực hiện chủ trương quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động HS vào lớp, ngăn chặn tình trạng HS bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, vấn đề HS nghỉ học, bỏ học sau Tết hiện nay vẫn còn diễn ra.
Quyết tâm không để HS nghỉ học vì bất cứ lý do nào
Theo thầy Vũ Tiến Lâm, trước đây tình trạng HS bỏ học giữa chừng và chuyện HS đi học “giã gạo” trên địa bàn luôn là vấn đề được chính quyền địa phương và nhà trường đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đặc biệt là trong năm học này tình trạng học sinh bỏ học giảm hẳn. Năm nay, sau kỳ nghỉ Tết, trong ngày học đầu tiên, toàn trường còn 8 HS chưa trở lại trường, đến ngày thứ 2 thì còn 7 em. Trong những ngày qua, giáo viên đã đến từng nhà, từng thôn, bản để vận động các em đến lớp. Nhưng đây là những trường hợp nghỉ học do ốm đau và kiêng cữ vì có người trong thôn, bản vừa mới mất nên gia đình chưa cho đi học trở lại.
Cũng như nhiều huyện miền núi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, những năm học trước đây ngành GD&ĐT huyện Tây Trà luôn trăn trở về tình trạng HS bỏ học giữa chừng, tuy nhiên, khi có chính sách hỗ trợ HS vùng đặc biệt khó khăn, HS đồng bào dân tộc thiểu số, các trường học đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bán trú cho HS thì tình trạng đã được hạn chế.
Theo thầy Phạm Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Tây Trà, những năm học trước đây tình trạng HS bỏ học giữa chừng là một trong những nỗi lo thường trực của các trường, Phòng GD&ĐT cũng như của lãnh đạo địa phương, tuy nhiên mấy năm học trở lại đây, tình trạng này giảm dần.
Thầy Sơn cho biết: “Trong năm học 2011 - 2012, toàn huyện có đến 167 HS bỏ học giữa chừng, đến năm học 2013 - 2014 giảm xuống 46 em, những năm học gần đây tỷ lệ học sỉnh bỏ học đã giảm hẳn. Tình trạng HS nghỉ học kéo dài sau Tết cũng đã được hạn chế. Đây là kết quả từ việc nhà trường tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của HS và phụ huynh.
Một nguyên nhân cơ bản khác là nhờ sự phát triển, mở rộng và thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú, tổ chức bữa ăn bán trú cho HS, đã tạo điều kiện học tập, ăn ở thuận lợi cho con em HS đồng bào dân tộc thiểu số.