Chưa lúc nào và chưa bao giờ, xã hội lại nhiều hoa hậu đến thế! Ngoài những cuộc thi nhan sắc có danh tiếng, được cấp phép đàng hoàng là vô số những cuộc thi “chui” để trao danh hiệu cho kẻ hám danh.
Nào là hoa hậu doanh nhân, nữ hoàng kim cương, miss áo tắm đến cả người đẹp phong cách… Cuộc thi cứ tràn lan đâu đó, mà chỉ khi người trong cuộc khoe ra thì người ta mới biết.
Tôi có quen thân với một chị làm chủ doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội. Nói về nhan sắc của chị thì không có gì phải bàn, vì chị thuộc tốp không có nhan sắc. Nhưng trong phòng làm việc, những tấm ảnh chụp cảnh chị nhận vương miện hoa hậu kèm giấy chứng nhận của ban tổ chức đã chứng minh chị là… hoa hậu.
Hỏi ra mới biết, muốn làm hoa hậu thì rất đơn giản, là tiền. Có tiền đáp ứng được như yêu cầu của ban tổ chức, thì không chỉ hoa hậu mà cả nữ hoàng bạn cũng sẽ được làm. Có tiền thì có quyền, cứ tạm mặc định như vậy. Nhưng đáng nói, những cuộc thi có “bảng giá” kiểu này đều là thi “chui” mà chính thí sinh tham gia cũng không biết.
Mới đây, một nữ doanh nhân đứng ra tố cáo cuộc thi hoa hậu “Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020”, với vòng chung kết diễn ra ngày 18/11/2020 mà bà vừa nhận danh hiệu hoa hậu, không có giấy phép.
Theo như tố cáo, doanh nhân này đã bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng để có danh hiệu hoa hậu. Sau khi nhận vương miện, nữ doanh nhân muốn đi làm từ thiện nên đã liên hệ ban tổ chức đề nghị cung cấp giấy phép cuộc thi. Lúc này, mới lộ ra cuộc thi không có giấy phép mà chỉ là thi “chui”.
Hám danh vọng tưởng đã đưa nhiều người “vào tròng”. Nhưng muối mặt hơn là danh hiệu có được bằng tiền không bao giờ chứng minh được sắc đẹp của bản thân. Ngược lại, nó còn là vết nhơ đeo đẳng, đúng như câu nói người xưa “tiền mất tật mang”.
Trước diễn biến phức tạp của các cuộc thi nhan sắc “chui”, vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 144/2020/NÐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định với các yếu tố mở, thông thoáng về hành lang pháp lý trong cấp phép và chấp thuận thi nhan sắc, nhưng tăng quyền lợi và trách nhiệm của các đơn vị.
Quy định mới sẽ tạo ra sự bình đẳng cho người đẹp trong nước khi tham gia các hoạt động giải trí phù hợp ở nước ngoài, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và thẩm mỹ. Tuy nhiên, có thể vì nghị định quá thông thoáng sẽ diễn ra tình trạng “mất giá” các cuộc thi và “loạn” danh xưng người đẹp.
Giới nghệ thuật cho rằng, nếu việc tổ chức dễ dàng, không giới hạn, rất có thể nhiều cuộc thi “ao làng” sẽ diễn ra. Chỉ cần gắn một địa danh, một hoạt động văn hóa hay ngành nghề nào đó thì cuộc thi nghiễm nhiên đúng luật.
Khi đã đúng luật, thì danh hiệu hoa hậu cũng sẽ chính danh. Lúc đó, mỗi năm chúng ta không chỉ có vài ba hoa hậu trong những cuộc thi lớn, mà còn có trăm nghìn hoa hậu từ những cuộc thi “ao làng”.