Bang duy nhất tại Mỹ đề xuất cấm AI thay thế giảng viên

GD&TĐ - Chính quyền bang California, Mỹ, mới đây trình dự luật cấm các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thay giảng viên.

AI xuất hiện trong lớp học dưới nhiều hình thức như robot, ứng dụng trợ giảng…
AI xuất hiện trong lớp học dưới nhiều hình thức như robot, ứng dụng trợ giảng…

Nếu dự luật được thông qua, California sẽ là bang duy nhất tại Mỹ yêu cầu giảng viên “người thật” quản lý và giảng dạy đại học trong cuộc cách mạng 4.0.

Bà Wendy Brill-Wynkoop, Chủ tịch Hiệp hội Giảng viên các trường cao đẳng bang California, cho biết: “AI là một công cụ hữu ích hỗ trợ giảng viên trong lớp học. Tuy nhiên, chúng tôi muốn đảm bảo sinh viên được dạy bởi ‘những con người thật’ thay vì robot”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng AI và các ứng dụng công nghệ liên quan như ChatGPT nên được cung cấp cho giáo viên nhằm hỗ trợ họ quản lý lớp học tốt hơn.

Trước tranh cãi trên, bà Brill-Wynkoop giải thích: “Một giảng viên có thể sử dụng bất kỳ công cụ nào họ cần hoặc cấm bất kỳ công cụ nào không phù hợp. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng giáo viên mới là người đưa ra quyền quyết định thay vì một người máy”.

Cụ thể theo dự luật, trí tuệ nhân tạo AI sẽ không được sử dụng để thay thế giảng viên cho mục đích trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền kiến thức và tương tác thường xuyên với sinh viên trong khóa học. AI sẽ bị giới hạn như “một công cụ ngoại khóa hỗ trợ giảng viên quản lý lớp học và phát triển chương trình dạy”.

Dự luật trên đã được soạn thảo nhiều lần từ tháng 2/2024 trong bối cảnh nhiều cuộc tranh luận về ứng dụng AI cả trong và ngoài ngành giáo dục. Đặc biệt, tại California, AI đã phát triển đến mức bỏ qua việc giảng dạy của giảng viên.

Bà Brill-Wynkoop chia sẻ: “Trước đây, tiểu bang chúng tôi có rất nhiều giáo viên tiếng Anh và Toán học. Tuy nhiên, khi Khan Academy, trang web học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của AI xuất hiện, các giáo viên đã hoàn toàn bị thay thế”.

Theo các chuyên gia giáo dục, AI sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản lớn nếu muốn hoàn toàn thay thế giáo viên và tiến sâu hơn vào lĩnh vực giáo dục. Trước tiên, AI có thể đưa ra những thông tin không đúng sự thật và cung cấp những hình ảnh không phù hợp vì lỗi lập trình tự nhiên.

Ông Brian Alexander, giảng viên cao cấp tại Đại học Georgetown, lo ngại: “Mặc dù, tỷ lệ AI mắc lỗi có thể nhỏ. Không ai muốn cấp phép cho một giảng viên không đủ năng lực hoặc thường xuyên nhầm lẫn kiến thức cơ bản”.

Thứ hai, AI phải đối mặt với nhiều tố cáo về vấn đề vi phạm bản quyền khi công cụ này chủ yếu thu thập dữ liệu từ Internet. Việc ăn cắp chất xám là điều cấm kỵ trong ngành giáo dục nên AI khó có thể thâm nhập hoàn toàn vào lĩnh vực trên.

Tuy nhiên, trên thực tế, dự luật của bang California khó có thể thực thi. AI khởi nguồn từ Thung lũng Silicon, bang California, nơi tập trung nhiều ông lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nên vị thế của AI tại bang này khó có thể bị lung lay.

Ông Brian Alexander, giảng viên cao cấp tại Đại học Georgetown, Mỹ, chia sẻ: “Bất cứ ai, dù là trong lĩnh vực giáo dục đại học hay ngoài lĩnh vực này đều thấy lo lắng về tác động của AI đối với cơ hội nghề nghiệp của họ trong tương lai. Thay vì thay thế giảng viên bằng AI, chúng ta cần bổ sung các loại chứng chỉ và liên tục đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.