Bàn về bảo đảm chất lượng, khung trình độ quốc gia các nước CLMV

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án do ACC triển khai ở 4 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam; nhằm thảo luận các vấn đề về bảo đảm chất lượng, khung trình độ quốc gia và xây dựng chương trình đào tạo của 3 ngành đào tạo: Tài chính ngân hàng, Kỹ thuật xây dựng và Công nghệ thực phẩm tại các nước CLMV.

Ngoài các đại biểu đến từ 4 nước CLMV, hội thảo còn mời các chuyên gia hàng đầu của ASEAN về giáo dục đại học trao đổi về lý luận cũng như những kinh nghiệm tốt trong công tác bảo đảm chất lượng, việc triển khai khung trình độ quốc gia. Đây cũng là cơ hội để tạo ra nhận thức sâu sắc hơn về xây dựng và phát triển chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra, những kinh nghiệm xây dựng và triển khai khung trình độ quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo tại các nước CLMV.

Những hoạt động này nhằm góp phần hỗ trợ các quốc gia CLMV trong lộ trình đạt được mục tiêu về Khung trình độ quốc gia (NQF) tương thích với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF).

Thông tin tại hội thảo, mục tiêu của dự án do ACC triển khai nhằm đánh giá việc thực hiện khung trình độ quốc gia và bảo đảm chất lượng tại các quốc gia CLMV. Dự án sẽ đóng góp vào tăng cường năng lực đào tạo của các quốc gia trong việc cải tiến chương trình và học liệu phù hợp với mức độ của khung trình độ quốc gia dựa trên chuẩn đầu ra và quản lý tốt hơn hệ thống bảo đảm chất lượng, nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa các quốc gia CLMV, cũng như trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Đầu ra của dự án đối với việc cải thiện/phù hợp học liệu giáo dục đại học và bảo đảm chất lượng bao gồm: Một báo cáo khởi động đề xuất ba chương trình giáo dục đại học tại các nước sẽ được đánh giá trong dự án và phương pháp luận để tiến hành dự án; báo cáo đánh giá việc thực hiện khung trình độ quốc gia đối với ba chương trình được chọn tại mỗi quốc gia; báo cáo đánh giá về cơ chế bảo đảm chất lượng đối với ba chương trình tại mỗi quốc gia; đề xuất cải thiện các thiếu sót (nếu có) và cải tiến học liệu, cũng như các bước tiếp theo.

Hội thảo về triển khai công tác bảo đảm chất lượng và khung trình độ quốc gia của các nước CLMV.
 Hội thảo về triển khai công tác bảo đảm chất lượng và khung trình độ quốc gia của các nước CLMV.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT cho biết: Cơ quan quản lý chất lượng giáo dục Việt Nam (VQA) được thành lập từ năm 2003, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý nhà nước về kiểm tra, đánh giá; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục và quản lý văn bằng chứng chỉ; thực hiện các dịch vụ công về kiểm tra, đánh giá và công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

Sau 16 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, VQA ngày càng được củng cố, hoàn thiện về tổ chức, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ; đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giám sát, hướng dẫn các địa phương và các cơ sở giáo dục quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên phạm vi cả nước.

Về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, hiện nay có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và đi vào hoạt động. Cho đến nay, 125 cơ sở giáo dục đại học và 51 chương trình đào tạo đã được công nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra còn có 7 cơ sở giáo dục đại học và 146 chương trình đào tạo đã được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn của nước ngoài.

Đối với hợp tác quốc tế trong bảo đảm chất lượng, VQA luôn chú ý đến các hoạt động hợp tác, trao đổi và chia sẻ thông tin quốc tế, đặc biệt là các kinh nghiệm tốt về bảo đảm chất lượng, công nhận văn bằng, tạo điều kiện trong trao đổi giảng viên, sinh viên, nhằm mục đích công nhận lẫn nhau về trình độ, góp phần nâng cao chất lượng của giáo dục đại học trong khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.