Họ vẫn giữ được những ngôi nhà trình tường 2 tầng cũ kỹ kiểu “gạch không nung, tường nứt toác” cùng mơ ước có con trâu to trong nhà.
Lấy ước mơ đặt tên cho bản
Từ thị trấn Cốc Pài của huyện Xín Mần muốn đến bản Vai Lũng phải vượt qua một trăm khúc cua của những con đường gập ghềnh chênh vênh trên những sườn núi đá tai mèo. Suốt bao đời nay, người Nùng ở Tả Nhìu đã cưỡi trâu trên những con đường đó để thông thương với bên ngoài.
Ông Lèng Văn Kim, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tả Nhìu giải thích: “Vai Lũng, tiếng Nùng có nghĩa là “trâu to”. Đây là một bản cổ xưa ở trên núi quanh năm mây phủ nên những con trâu dù chịu lạnh rất tốt cũng không lớn nổi. Người xưa đã mơ ước có được những con trâu to để cày trên đất đá nên lấy mơ ước đặt tên cho bản”.
Với người lạ, ai cũng gọi đó là bản Vai Lũng, nhưng người địa phương hiểu ngay đó là bản trâu to. Không ai biết bản có từ bao giờ và do ai đặt tên, nhưng chỉ cần nhắc tới bản Vai Lũng, bất cứ một người buôn bán trâu bò nào ở Hà Giang cũng biết và mơ ước sở hữu một vài chú trâu của bản này.
Cụ Lèng Văn Chi năm nay tròn 100 tuổi, cũng là bậc cao niên nhất bản Vai Lũng cho biết: “Ngày trước, con trâu to nhất cũng chỉ nhỉnh hơn con lợn rừng mà thôi. Ở vùng này, mùa đông thì toàn tuyết trắng, nước đóng băng, ngày hạ thì nóng hơn lửa đốt. Cây cỏ nó còn chết thì động vật làm sao lớn được”.
Theo cụ Chi, ngày trước ở Vai Lũng những ngày đầu xuân đều có tục cúng trời. Họ cúng trời không phải để mùa màng tươi tốt, cũng không phải để an bình cho bản, mà đơn giản là cầu trời cho con trâu nó to, con bò nó lớn để có sức kéo sức cày phá đá trồng ngô.
Bây giờ trâu đã to, bò đã lớn, bản Vai Lũng cũng được gọi là bản “trâu to” và trở thành điểm săn tìm của những người chuyên buôn bán trâu chọi ở các vùng Tuyên Quang, Hải Phòng tìm lên. Vì thế, với người Vai Lũng con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp. Con trâu vừa cho tiền của, sức kéo, lại cho phân bón ngô. Phân trâu ở Vai Lũng nhiều khi quý hơn tiền hơn bạc.
Không chỉ có vậy, con trâu còn là phương tiện vận chuyển rất đắc lực trong việc đưa đón các em nhỏ tới trường. Với địa hình núi đá lẫn các dòng suối dày đặc, việc đi lại vô cùng khó khăn nên một số học sinh ở xa điểm trường phải cưỡi trâu đi học. Một công đôi việc, vừa thuận tiện đến trường lại cho con trâu no bụng. Khi tan học, các em lại ra bãi thả cưỡi trâu về nhà.
Xã cũng “trâu to”
Điều đặc biệt là không chỉ Vai Lũng là bản “trâu to”, mà xã Tả Nhìu theo tiếng Mông cũng có nghĩa là “trâu to”. Sở dĩ, Tả Nhìu là tên đặt theo tiếng Mông vì trước đây, người Mông định cư rất đông ở đây. Nhưng vì cuộc sống du mục nên họ đã chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại số đông người Nùng sinh sống.
Theo ông Kim, xã Tả Nhìu có 11 bản làng với 100% là người Nùng. Tất thảy 11 bản kia đều có những tên gọi mà khi dịch ra tiếng Kinh đều rất ngộ nghĩnh. Ví như bản Lủng Mở nghĩa là “rất mới” hay Lũng Tráng nghĩa là “giữa khe”.
Chính vì là xã “trâu to” nên vật nuôi của bà con địa phương cũng toàn là trâu. Qua khảo sát và thống kê, đàn trâu ở Tả Nhìu lên tới cả nghìn con lớn nhỏ. Gia đình nào có bò, họ sẽ nuôi cho lớn rồi bán đi mua trâu. Hỏi vì sao lại thế thì họ trả lời đơn giản rằng, thích trâu hơn bò. Với họ, trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là linh vật đáng mơ ước.
Với sự hỗ trợ của Nghị quyết số 209 HĐND tỉnh Hà Giang, chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa… đàn đại gia súc của xã Tả Nhìu đã tăng lên rõ rệt với 1.168 con trâu và 551 con bò. Đặc biệt, việc hình thành các nhóm cùng sở thích (CIG) nuôi trâu, bò hàng hóa tại các thôn trên địa bàn đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Anh Cháng Văn Long, thành viên Nhóm CIG cho biết, nuôi trâu vỗ béo đem lại thu nhập nhanh hơn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ ngày tham gia Nhóm CIG nuôi trâu của thôn, anh đã mua, bán và trao đổi nhiều trâu, bò trên khắp địa bàn huyện Xín Mần.
Nếu như ở nhiều bản làng, người ta hay lập các hội chơi gà chọi, chim rừng, phong lan… thì ở Tả Nhìu, CIG là một hội như thế, nhưng là chơi trâu. Sáng và chiều tại các bãi thả, người ta tụ tập để nhận xét về con trâu mới và có thể trao đổi mua bán. Nhờ đó, kinh nghiệm nuôi trâu và đời sống kinh tế cũng nâng lên rõ rệt.
Nghèo nhưng phải nuôi “con xịn”
Ông Ly Văn Nghiệp, Trưởng bản Vai Lũng cho biết, dù người dân nơi đây còn rất nghèo nhưng họ phải nuôi “con xịn” cho đáng công chăm sóc. Hỏi “con xịn” là con gì thì ông Nghiệp cho biết, đó là con lợn rừng, hoặc chí ít là lợn cắp nách. Lợn trắng ở Tả Nhìu rất ít hoặc không có. Mà nếu có người dân cũng không nuôi.
Tổng đàn lợn của xã Tả Nhìu lên tới trên 3 nghìn con thì phân nửa số ấy là lợn cắp nách. Ông Nghiệp bảo: “Thực chất lợn cắp nách là giống lợn truyền thống của địa phương. Mỗi con chỉ nặng từ 10 – 15kg nhưng thịt lại rất ngon. Nhưng lợn cắp nách không ngon bằng thịt lợn rừng, mà địa phương lại toàn lợn rừng nên đúng là “con xịn” còn gì”.
Lợn rừng là vật nuôi truyền thống ở Tả Nhìu. Với tập tục dựa vào rừng để sống nên từ xưa người Nùng ở đây đã giỏi săn bắn và thuần chủng động vật. Những con lợn rừng là chiến lợi phẩm sau cuộc đi săn sẽ được bẻ răng nanh và sống với đàn lợn nhà. Lợn rừng không phải là thứ hàng để bán, mà người dân dùng để xẻ thịt cúng rừng vào mỗi dịp đầu xuân, hoặc trong các đám hiếu, hỉ.
“Con xịn” thứ hai mà người Tả Nhìu hướng đến là trâu mộng. Đó là dạng trâu đực, mà khi trưởng thành có hình dáng to lớn, mạnh mẽ. Sức kéo của trâu mộng rất tốt nên giá cả cũng rất đắt. Đặc biệt, vì địa hình núi đá nên trâu mộng thường xuyên phải di chuyển nên cơ bắp rất rõ rệt. Dân săn trâu chọi cũng vì thế mà ưa thích trâu mộng Tả Nhìu.
Nếp nhà đất nứt
Nếu như ở vùng xuôi, biệt thự cao tầng là niềm tự hào và thể hiện sự giàu có của gia chủ thì ở Tả Nhìu, nhà hai tầng bằng đất mới là điều đáng mơ ước nhất. Cũng theo kiểu nhà trình tường, nhưng người Nùng ở Tả Nhìu có cách xây dựng kiên cố, sáng tạo và kỳ công hơn rất nhiều những nơi khác.
Thường thì nhà trình tường chỉ là nhà cấp bốn nhưng ở Tả Nhìu, người ta nâng cấp trình tường thành nhà sàn hai tầng. Tầng dưới nấu nướng, để đồ vụn vặt; tầng trên sinh hoạt và cất ngô khoai sắn. Họ chia ra các phòng rất hợp lý và tấm ngăn chính là những bức tường đất dày nửa mét.
Để làm được những ngôi nhà như vậy, người ta phải phá đá để đào sâu xuống dưới lấy những khối đất có độ kết dính như sét gan gà. Đất sẽ được gạn hết tạp chất như rễ cây để đổ vào những cái khuôn bằng gỗ. Đất đổ đến đâu sẽ được những người khỏe mạnh dùng chày nện xuống cho chặt.
Đổ xong khuôn đất tầng một, họ làm đến tầng hai. Thời gian để hoàn chỉnh một ngôi nhà sàn trình tường phải mất 6 tháng. Những ngôi nhà có tường đất thế này kiên cố vô cùng. Độ dày bức tường lên tới 0,5m hoặc hơn và tuổi thọ của ngôi nhà có thể lên tới hàng trăm năm.
Với người Nùng ở Tả Nhìu, nhà sàn trình tường không chỉ là đặc sản văn hóa mà còn thể hiện cho sự khéo léo của những người đàn ông. Nhiều người bảo, những ngôi nhà đó làm từ “gạch không nung nên tường nứt tứ tung”, đó là cách nói vui chứ thực chất, tường nhà càng nứt thì với họ may mắn càng nhiều.
Ở tầng 1 của ngôi nhà luôn có khu vực để phân trâu khô. Người Tả Nhìu nói, nhà nứt nhiều cộng với nhiều phân trâu khô thì mới chứng tỏ đó là gia đình bề thế, giàu có và biết cách làm ăn.