Hàng loạt cây xăng tại TPHCM treo bảng hết hàng:

Bàn tay nào trong 'găm hàng' làm giá?

GD&TĐ -Tình trạng người dân khó mua xăng tại các cây xăng ở TPHCM diễn ra từ chiều 8/10 và kéo dài cho đến tận sáng 10/10 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Người dân rồng rắn xếp hàng chờ được đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức trong buổi trưa 10/10.
Người dân rồng rắn xếp hàng chờ được đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức trong buổi trưa 10/10.

Dù Petrolimex TPHCM đã huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ trong tối 9/10, nhưng tình trạng bán xăng nhỏ giọt, cầm chừng vẫn diễn ra ở hầu hết các cây xăng tại TPHCM. Với những cây xăng bán hàng không hạn chế mức mua thì gần như khách hàng phải chờ đợi và xếp hàng rất lâu mới tới lượt.

Khan hàng hay “găm hàng” làm giá?

Tình trạng người dân khó mua xăng tại các cây xăng ở TPHCM diễn ra từ chiều 8/10 và kéo dài cho đến tận sáng 10/10 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Thị trường TPHCM đến sáng 10/10 trên địa bàn đã có 54 cây xăng ngừng bán hàng với lý do… hết hàng. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo quyết liệt với Sở Công Thương TPHCM khẩn trương có giải pháp cung ứng hàng cho các đơn vị bị đứt nguồn cung trên.

Ngay trong đêm 9/10, Petrolimex TPHCM đã huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ thiếu hụt nguồn cung trên. Tuy vậy, người dân thành phố vẫn chôn chân chờ đổ xăng tại các cây xăng, kéo dài từ sáng đến trưa ngày 10/10.

Ghi nhận tại hàng loạt cây xăng trên địa bàn TP Thủ Đức, Quận 3 và Quận 10, lượng người tập trung chờ đổ xăng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Anh Nguyễn Minh Quế, vừa may mắn đổ được 30.000 đồng xăng tại cây xăng số 6 ở TP Thủ Đức cho biết: “Chắc do thiếu nguồn cung nên cây xăng chỉ đổ cho mỗi xe máy là 30.000 đồng, xe hơi là 100.000 đồng/lượt. Chờ suốt 35 phút mới được đổ 30.000 đồng xăng để đi làm, mừng hơn được tăng lương”, anh Quế nói.

Cũng mướt mồ hôi mới đổ được 50.000 đồng xăng từ một cây xăng tại hệ thống của cửa hàng Petrolimex tại Quận 10, chị Lê Thúc Thùy Vinh tỏ ra vô cùng bức xúc. Theo chị Vinh thì chuyện mỗi lần có thông tin giá xăng dầu chuẩn bị rục rịch tăng là các cây xăng lớn lại điệp khúc khan hàng, tạm ngưng bán hàng để nhập hàng đã tái diễn nhiều lần.

“Tôi không biết lần này là họ hết hàng thật hay là cố tình găm hàng, chờ tăng giá như mọi lần. Muốn biết họ có hết hàng thật không đâu có khó, đội Quản lý thị trường chỉ cần kiểm tra kho và bồn chứa là biết ngay.

Nếu họ găm hàng chờ tăng giá thì phạt nặng hoặc rút giấy phép kinh doanh luôn. Chứ không thể để vì lợi nhuận mà làm xáo trộn đời sống người dân và hoạt động điều phối kinh tế của Nhà nước”, chị Vinh nêu ý kiến.

Báo cáo nhanh về thực trạng hàng loạt cây xăng ngưng bán hàng tại các quận huyện trên địa bàn, Sở Công Thương TPHCM cho biết, các cửa hàng vừa phải ngưng bán trong 2 - 3 ngày qua chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không theo chuỗi và nguồn lực có giới hạn nên đơn vị không thể cân đối, bù đắp chi phí. Để khắc phục, Sở Công Thương đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Trước đó, khi tình trạng nhiều cây xăng không còn hàng để bán hoặc bán hàng nhỏ giọt thì 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có đơn tập thể gửi Thủ tướng phản ánh về tình hình kinh doanh xăng dầu thời gian qua và kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Theo các doanh nghiệp này, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã không tính đúng, tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu tình trạng giá mua cao hơn giá bán.

Một cây xăng lớn trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức dán bảng hết hàng, ngưng bán.

Một cây xăng lớn trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức dán bảng hết hàng, ngưng bán.

Gia tăng nguồn cung và xử nghiêm nạn đầu cơ

TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng, diễn biến giá xăng dầu thế giới những tháng đầu năm rất phức tạp, do tác động ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine. Việc hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu “càng bán càng lỗ” và xin dừng phân phối thì rõ ràng vấn đề cần phải được quan tâm một cách đúng mức.

Việc thị trường xăng dầu trên thế giới tăng giá từng ngày theo cuộc khủng hoảng chiến tranh giữa Nga và Ukraine, cũng như thông tin OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 11/2022 đã ít nhiều tác động đến bài toán kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Theo dự báo của ThS Nguyễn Trung Thành, chuyên gia kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, với diễn biến hiện tại, giá dầu diesel tại kỳ điều hành tới có thể tăng 1.900 - 2.200 đồng/lít, trong khi xăng tăng khoảng 300 đồng/lít.

“Đây có thể là một trong những lý do khiến nguồn dầu mấy hôm nay khan hiếm. Kỳ tới, xăng dầu có thể tăng trở lại sau 4 lần giảm, dầu tăng mạnh hơn. Và đây cũng rất có thể là nguyên nhân nhỏ tác động đến hoạt động điều tiết kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu”, ThS Thành nhận định.

Trước những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Nam vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Để nhanh chóng bình ổn thị trường, tháo nút thắt cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý Thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý Thị trường trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý Thị trường cũng đề nghị các đơn vị tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng bán.

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý Thị trường nhấn mạnh phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Tổng cục Quản lý Thị trường cũng lưu ý Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường tại các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ